Hôm nay, hàng loạt quyết định quan trọng có hiệu lực

17:14, 01/03/2013

Kể từ đầu tháng 3 này, hàng loạt quyết định quan trọng có tầm ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân như quy định mới về thu phí ATM, mạnh tay xử phạt sản xuất hàng giả… sẽ chính thức có hiệu lực.

Quy định mới về thu phí ATM

 

Kể từ 1/3, phí rút tiền mặt tại ATM cho giao dịch nội mạng có mức thấp nhất là 0 đồng và mức thu tối đa sẽ được tăng dần theo từng năm.

 

Đó là nội dung chính tại Thông tư số 35/2012/TT-NHNN, vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành quy định về phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa.

 

Theo Thông tư này, phí  rút tiền mặt tại ATM cho giao dịch nội mạng có mức thấp nhất là 0 đồng và mức thu tối đa sẽ  tăng dần theo từng năm, từ 1.000 đồng/lần giao dịch vào năm 2013, 2.000 đồng/lần vào năm 2014 và đến 3.000 đồng/lần giao dịch vào năm 2015. Ngoài ra, phí giao dịch ngoại mạng tối đa là 3.000 đồng/lần.

 

Phí vấn tin tài khoản (không in chứng từ) đối với thẻ ngoại mạng sẽ mất ít nhất là 0 đồng và nhiều nhất 500 đồng/giao dịch. Phí in sao kê  hoặc in chứng từ vấn tin tài khoản sẽ bị thu phí từ 100 - 500 đồng/giao dịch với ATM nội mạng; 300 - 800 đồng nếu giao dịch ATM ngoại mạng.

 

Cũng theo quy định này, phí chuyển khoản bằng thẻ tại ATM từ 0 -15.000 đồng/giao dịch; phí phát hành thẻ từ 0 - 100.000 đồng/thẻ; phí thường niên từ 0 - 60.000 đồng/thẻ/năm.

 

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thông tư này được ban hành nhằm nhằm đảm bảo có sự điều tiết, giám sát của Nhà nước trong quá trình thu phí, hài hòa lợi ích các bên liên quan nhằm duy trì, nâng cao chất lượng dịch vụ thẻ và hướng tới lợi ích tổng thể của toàn xã hội.

 

Phạt nặng bán và sản xuất hàng giả

 

Chính phủ vừa ký ban hành Nghị định số 08/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả.

 

Theo đó, đối với hành vi buôn bán hàng giả sẽ bị phạt từ 100 trăm nghìn đồng đến 70 triệu đồng đối với; từ 200 nghìn đồng – 100 triệu đồng đối với hành vi sản xuất hàng giả.

 

Riêng đối với hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi; phụ gia thực phẩm, hóa mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, xi măng, sắt thép xây dựng, mũ bảo hiểm...hoặc tem, nhãn, bao bì giả của các loại hàng hóa này mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị áp mức phạt gấp 2 lần mức tiền phạt thông thường.

 

Đối với hành vi sản xuất hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng, mức phạt tiền từ 3-7 triệu đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị đến 3 triệu đồng; phạt tiền từ 7-10 triệu đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ trên 3-5 triệu đồng;...; phạt tiền từ 40-60 triệu đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 30 triệu đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

Cũng theo Nghị định này, Chính phủ quy định cụ thể các hình thức xử phạt hành chính, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng trường hợp sản xuất, buôn bán hàng giả. Cụ thể: Đối với hành vi buôn bán hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng, phạt tiền từ 500 trăm nghìn đồng – 50 triệu đồng tùy theo giá trị số lượng hàng thật tương đương.

 

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/3/2013.

 

Không được sử dụng hộ chiếu công vụ với mục đích cá nhân

 

Theo Quyết định số 58/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành, kể từ ngày 1/3/2013, trách nhiệm của người được cấp hộ chiếu là chỉ được sử dụng một loại hộ chiếu còn giá trị sử dụng cho mỗi chuyến đi công tác nước ngoài phù hợp với Quyết định cử đi công tác và tính chất công việc thực hiện ở nước ngoài, trừ các trường hợp đặc biệt theo hướng dẫn của Bộ Ngoại giao.

 

Cùng với đó, không được sử dụng hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ để đi nước ngoài với mục đích cá nhân, đồng thời có trách nhiệm giữ gìn và bảo quản hộ chiếu theo quy định của Nghị số 136/2007/NĐ-CP.

 

Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhập cảnh Việt Nam sau khi kết thúc chuyến công tác ở nước ngoài, người được cấp hộ chiếu phải nộp lại hộ chiếu cho cơ quan quản lý hộ chiếu, trừ trường hợp có lý do chính đáng do Thủ trưởng cơ quan quản lý hộ chiếu quyết định.

 

Quy định về bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp

 

Theo Nghị định 6/2013/NĐ-CP quy định về bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, nhân viên bảo vệ khi hết thời hạn thử việc, được đánh giá đạt yêu cầu thì được xem xét tuyển dụng, được hưởng lương và các quyền lợi, chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.

 

Trong khi thi hành nhiệm vụ, nếu bị thương, bị hy sinh thì được xem xét và có thể được công nhận hưởng chế độ như thương binh, liệt sĩ và có các hình thức khen thưởng khác theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng và pháp luật về thi đua, khen thưởng.

 

Cũng theo Nghị định này, người đứng đầu các tổ chức, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước không được thuê dịch vụ bảo vệ thường xuyên, lâu dài (trừ một số lĩnh vực theo quy định của Bộ Công an).

 

Trong trường hợp cần huy động lực lượng phương tiện bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn hội nghị, hội thảo hoặc trường hợp cần thiết khác, được thuê dịch vụ bảo vệ của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ theo công việc hoặc thời vụ.

 

Nghị định có hiệu lực từ 1/3/2013.