Sáng 18/3, tại Hà Nội đã diễn ra lễ ký tuyên bố hợp tác giữa Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội và Bộ Ngoại giao, Bộ Hợp tác và Phát triển kinh tế Cộng hòa Liên bang Đức (CHLB). Đại diện 3 bên tham dự lễ ký kết gồm bà Jutta Frasch - Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Trần Quang Quý và Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội Nguyễn Ngọc Phi.
Theo Tuyên bố hợp tác này, các tổ chức của Đức gồm Tổ chức hợp tác quốc tế Đức – GIZ, Hiệp hội doanh nghiệp Đức tại Việt Nam, Phái đoàn công nghiệp và thương mại Đức tại Việt Nam cùng Đại sứ quán CHLB Đức tại Hà Nội sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT), Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội và các cơ sở giáo dục đào tạo của Việt Nam trong công tác phát triển, đào tạo nguồn nhân lực.
Việc tham gia tích cực của các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam trong giai đoạn đào tạo tại doanh nghiệp là trọng tâm của Bản tuyên bố. Cụ thể, các doanh nghiệp này sẽ xem xét tiếp nhận học viên, sinh viên Việt Nam vào thực tập; đưa các chuyên gia, cán bộ chuyên môn tham gia vào quá trình xây dựng chương trình đào tạo, tham gia xây dựng tiêu chuẩn cho các ngành nghề; hỗ trợ bồi dưỡng giáo viên. Phía Đức cung cấp thông tin về nhu cầu lao động của các công ty cho cơ sở đào tạo Việt Nam. Ngoài ra, các bên sẽ cùng phối hợp xây dựng một số dự án để phát triển nguồn nhân lực...
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý, ký kết giữa Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động -Thương binh & Xã hội và Bộ Ngoại giao, Bộ Hợp tác và Phát triển kinh tế CHLB Đức là mô hình đầu tiên thể hiện sự hợp tác chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp ở cấp Bộ, cấp Nhà nước giữa hai nước. Với hơn 160 doanh nghiệp Đức hiện có mặt tại Việt Nam cùng các tổ chức hợp tác phát triển, Thứ trưởng Trần Quang Quý tin tưởng mô hình hợp tác này sẽ tạo đà cho sự gắn kết có hiệu quả và chất lượng giữa doanh nghiệp với nhà trường nhằm giải quyết vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu xã hội.
Tại lễ ký kết, Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam, bà Jutta Frasch khẳng đinh, trong tương lai, đào nghề vẫn là lĩnh vực trụ cột trong hợp tác phát triển giữa Việt Nam và CHLB Đức. Định hướng đào tạo hướng tới nhu cầu trong hệ thống đào tạo nghề tại Việt Nam, đặc biệt có sự hợp tác chặt chẽ của giới doanh nghiệp tư nhân là bước đi mang tính quyết định, qua đó tăng cường khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong thị trường Asian tương lai.