Sáng nay (19-3), tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc để triển khai nhiệm vụ năm 2013. Tham dự Hội nghị có trên 500 đại biểu đại diện các cơ quan lãnh đạo quản lý báo chí, các cơ quan báo chí từ Trung ương đến địa phương trong cả nước.
Năm qua, các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đã tích cực, chủ động bám sát tình hình, nhiệm vụ của đất nước, của ngành, địa phương, đơn vị, tập trung tuyên truyền, cổ vũ nỗ lực kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, không để lạm phát cao trở lại. Báo chí đã tuyên truyền, ca ngợi lịch sử hào hùng của dân tộc ta trong đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, kỷ niệm 40 năm chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không, 40 năm ký Hiệp định Pa ri chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của đế Quốc Mỹ, 45 năm cuộc tổng tiến công nổi dậy xuân Mậu Thân, tuyên truyền sâu rộng năm hữu nghị Việt - Lào... Chỉ đạo, định hướng tuyên truyền, tham gia giải quyết các vấn đề phức tạp, nổi cộm, bức xúc. Hội nghị đã phân tích làm rõ những hạn chế, thiếu sót chủ yếu trong công tác báo chí năm qua như: Khuynh hướng thoát ly tôn chỉ, mục đích, “thương mại hóa” trong báo chí chậm được khắc phục, chưa quan tâm đúng mức tới biểu dương các nhân tố tích cực…
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Lê Hồng Anh, ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng đã nhiệt liệt biểu dương những đóng góp của các cơ quan báo chí trong cả nước thời gian qua. Trong điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế đất nước, nhiều cơ quan, đơn vị báo chí đã chủ động khắc phục khó khăn, vừa thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin tuyên truyền, vừa tạo nguồn thu để nâng cấp cơ sở vật chất, tăng cường trang thiết bị, phương tiện tác nghiệp, thu hút nhân lực có chất lượng, tổ chức nhiều hoạt động xã hội, từ thiện và nhân đạo. Đồng chí yêu cầu Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban cán sự Đảng Bộ Thông tin và Truyền thông, Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam cần phối hợp tốt hơn với các ngành các cấp, các cơ quan liên quan trong việc cung cấp và trao đổi thông tin; trên cơ sở đó chỉ đạo, định hướng chính trị, tư tưởng trong nội dung thông tin của báo chí, nhất là những vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm, đảm bảo tính thống nhất và kịp thời của các thông tin trên báo chí. Đồng thời, đồng chí yêu cầu các cơ quan báo chí cần nhìn thẳng vào sự thật, kiểm điểm nghiêm túc, phân tích sâu sắc để tìm ra nguyên nhân, đề ra các giải pháp khắc phục ngay những hạn chế, thiếu sót còn tồn tại.
Năm 2013, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, bên cạnh những thời cơ thuận lợi cơ bản, đất nước ta tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác thông tin, tuyên truyền của Đảng và Nhà nước giao phó, kết luận Hội nghị, đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã nhấn mạnh: Các cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo cần nhận thức rõ bối cảnh, tình hình, xác định mục tiêu, nhiệm vụ trong năm bản lề thực hiện kế hoạch 5 năm giai đoạn 2011-2015 này để thực hiện. Báo chí cần phải nắm vững và tuyên truyền sâu rộng, kịp thời, có hiệu quả mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bám sát nhiệm vụ công tác tư tưởng, tăng cường tuyên truyền, cổ vũ thành tựu của công cuộc đổi mới. Trong tuyên truyền cần gắn kết việc thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Các cơ quan báo chí cần chăm lo công tác xây dựng Đảng, đề cao trách nhiệm đảng viên của người làm báo, nhất là người giữ cương vị chủ chốt.
Nhân dịp này, Ban Tuyên Giáo Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông đã tặng Bằng khen cho 19 tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền các sự kiện và thực hiện nhiệm vụ năm 2012.
- Tính đến tháng 2 năm 2013, số lượng các cơ quan báo chí in trên cả nước là 812 với 1.084 ấn phẩm; trong đó có 197 cơ quan báo in, 615 tạp chí. Trong lĩnh vực thông tin điện tử, cả nước có 74 báo, tạp chí điện tử; 336 mạng xã hội; 1174 trang thông tin điện tử tổng hợp. - Cả nước có 67 đài phát thanh truyền hình, trong đó có 2 đài Quốc gia là Đài tiếng nói Việt Nam và Đài truyền hình Việt Nam; một đài của ngành là Đài truyền hình kỹ thuật số VTC; 64 đài phát thanh truyền hình địa phương. - Về đội ngũ cán bộ, cả nước hiện có gần 17.000 người làm báo chí chuyên nghiệp được cấp thẻ nhà báo; có hơn 19.000 hội viên Hội nhà báo đang sinh hoạt trong các hội, liên chi hội và chi hội nhà báo. |