Sáng 12/4, tại Gia Lai, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, UBND tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ hai - 2013.
Khẩn trương hoàn thiện chính sách ưu đãi
Tại Hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng Tây Nguyên là địa bàn chiến lược quan trọng về kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh của cả nước, có tiềm năng và lợi thế phát triển nông, lâm nghiệp, thủy điện. Tuy nhiên, đây hiện vẫn là vùng khó khăn, yếu kém về cơ sở hạ tầng, thiếu nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; thiếu cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào khu vực Tây Nguyên trong điều kiện đầu tư còn không thuận lợi.
Cùng quan điểm trên, các nhà đầu tư bày tỏ mong muốn cơ quan quản lý nhà nước sớm ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù, ưu tiên, ưu đãi đối với các doanh nghiệp đầu tư vào Tây Nguyên. Bên cạnh đó là việc các ngành hữu quan cần quan tâm hơn nữa tới đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho vùng; chú trọng tới công tác đào nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; quan tâm đến công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch cho các nhà đầu tư.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện và trình Chính phủ quyết định ban hành cơ chế, chính sách đặc thù và ưu đãi phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2020. Trong đó tập trung vào xúc tiến đầu tư, thu hút FDI vào lĩnh vực giáo dục - đào tạo, huy động và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ; chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp muốn gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết thời gian tới, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, sử dụng có hiệu quả công cụ của chính sách tiền tệ, chính sách tín dụng, chính sách phát triển mạng lưới để điều tiết, phân bổ tốt nguốn vốn tín dụng, phát triển dịch vụ tài chính - ngân hàng ở vùng Tây Nguyên, góp sức cùng cả nước đưa kinh tế, xã hội vùng Tây Nguyên phát triển nhanh và bền vững xứng tầm với tiềm năng, vị trí của vùng chiến lược về kinh tế, quốc phòng, an ninh của đất nước.
Về phía địa phương, lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên cũng cam kết sẽ tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; luôn đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đầu tư vào Tây Nguyên.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng kết quả thu hút đầu tư vào Tây Nguyên đến nay còn rất khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng; số lượng, quy mô dự án còn hạn chế, công nghệ đơn giản, lạc hậu. Tuy nhiên cơ hội đầu tư vào vùng Tây Nguyên còn rất lớn.
Để tiếp tục xây dựng Tây Nguyên trở thành một trong những vùng động lực phát triển của cả nước, Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện để trình ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2020.
“Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát và nghiên cứu bổ sung các cơ chế chính sách ưu đãi, nhất là ưu đãi đặc thù để phát triển một số lĩnh vực có nhiều tiềm năng, lợi thế để vùng Tây Nguyên thu hút được mạnh mẽ các nguồn đầu tư để phát triển nhanh, bền vững”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định.
Xây dựng các công trình giao thông lớn
Đề cập tới các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, các Bộ, ngành TW, các địa phương trong vùng cần tập trung huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng ngày càng hiện đại, trong đó ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình lớn về hạ tầng giao thông, đảm bảo thông suốt, nối liền các cảng biển, sân bay, đô thị ven biển và các vùng phụ cận.
Đồng thời, các địa phương trong vùng Tây Nguyên cần tăng cường phối hợp, triển khai quy hoạch một cách hiệu quả, gắn kết các tiềm năng, lợi thế, tạo tiếng nói chung để thu hút đầu tư, phát triển. Chú trọng đào tạo phát triển nguồn nhân lực có trình độ quản lý và tay nghề cao; có chính sách thích hợp để khuyến khích ứng dụng, đổi mới và chuyển giao công nghệ; đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thông thoáng cho đầu tư phát triển.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương trong vùng khẩn trương chọn, đề xuất một số dự án đầu tư trọng điểm, có tính lan tỏa vào lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và đề xuất các chính sách ưu đãi để tập trung đầu tư và thu hút đầu tư bằng nhiều hình thức, nguồn vốn khác nhau. Đây là một trong số các các bước đi phù hợp, thực tiễn để tạo tiền đề xây dựng nông thôn mới bền vững ở khu vực Tây Nguyên.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng còn yêu cầu tăng cường thu hút đầu tư gắn với thúc đẩy các chương trình hợp tác khu vực “Tam giác phát triển”, đẩy mạnh hợp tác kinh tế, giao lưu thương mại giữa các tỉnh Tây Nguyên với các tỉnh vùng biên của Lào, Campuchia; triển khai đồng bộ, hiệu quả các cơ chế chính sách để thu hút đầu tư, phát triển các khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y, Lệ Thanh... sớm trở thành những hạt nhân đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng.
Cuối cùng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, thu hút đầu tư và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn đầu tư vào Tây Nguyên phải gắn với việc đảm bảo an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội nhằm tạo cho Tây Nguyên trở thành một điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nhưng cũng phải bảo đảm Tây Nguyên là vùng căn cứ vững chắc cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần này, các ngân hàng thương mại đã ký kết 28 hợp đồng tài trợ vốn cho các doanh nghiệp trong vùng với số tiền lên đến 23.899 tỷ đồng vào các lĩnh vực cà phê, cao su, thủy điện…
Lãnh đạo các địa phương trong vùng cũng đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 13 doanh nghiệp với tổng số vốn đầu tư trên 16.000 tỷ đồng.