Sức lan tỏa mạnh mẽ của một di sản văn hóa

08:17, 19/04/2013

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, Giỗ tổ Hùng Vương hằng năm vào ngày 10-3 âm lịch là một sự kiện quan trọng trong đời sống văn hóa - tinh thần của người dân đất Việt.

Từ truyền thuyết bọc trăm trứng đến sự tích Hùng Vương, trong lịch sử hơn 4 nghìn năm dựng nước và giữ nước, người Việt Nam luôn sắt son quan niệm: Đã là người Việt, tất cả cùng chung dòng máu Tiên Rồng, phải sống với nhau có nghĩa, có tình, có trước có sau, thủy chung son sắt. Từ một niềm tin tín ngưỡng, tục thờ cúng tổ tiên đã trở thành đạo lý uống nước nhớ nguồn của người Việt, thể hiện tinh thần tôn trọng quá khứ, biết ơn quá khứ. Đó chính là những giá trị văn hóa tinh thần cốt lõi tạo nên sức mạnh vĩnh hằng hun đúc truyền thống đoàn kết trong cộng đồng văn hóa người Việt.

 

Từ nhiều nguồn tư liệu cho thấy, khoảng từ thế kỷ XIV, XV nhà Lê bắt đầu xây dựng bộ ngọc phả Hùng Vương, sau đó là việc thờ cúng Hùng Vương. Các triều đại sau đó như Tây Sơn, nhà Nguyễn đều có việc phong sắc giao cho các làng, xã xung quanh núi Nghĩa Lĩnh (huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) thờ cúng Hùng Vương. Cho đến nay tín ngưỡng này càng phát triển mạnh. Trong thời đại hiện nay cũng vậy, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ủy quyền cho ông Hùng Thúc Kháng thay mặt Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa làm lễ trước miếu các Vua Hùng. Đến giờ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được nâng lên tầm Quốc gia, trở thành một sự kiện văn hóa lớn của dân tộc. Từ ngày 11-4-2007, Chủ tịch nước đã ký lệnh công bố sửa đổi bổ sung điều 73 của Bộ Luật Lao động ngày 11-4-2007. Theo đó người lao động được nghỉ 1 ngày làm việc và hưởng nguyên lương nhân ngày Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đến Hùng hằng năm. 

 

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là biểu trưng đặc sắc về bản sắc và sự thống nhất trong đa dạng văn hóa, của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Không gian tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương rất rộng và không chỉ duy trì ở 326 điểm thờ cúng thuộc các làng, xã thuộc tỉnh Phú Thọ. Theo số liệu thống kê của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, hiện cả nước có 1.417 di tích thờ vua Hùng và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương ở Việt Nam (trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có Đình Hùng Vương nằm ở phường Trưng Vương T.P Thái Nguyên).

 

Sở dĩ không gian tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có sức lan tỏa như vậy vì cốt lõi của nó là việc thờ cúng tổ tiên của người Việt. Người Việt, trong gia đình, gia tộc thì tổ tiên của gia tộc mình, ra làng xã thì thờ cúng những người có công lao với làng xã, đến cộng đồng lớn hơn thì thờ Hùng Vương với tư cách là ông tổ của đất nước, vị thủy tổ của dân tộc. Thậm chí, các Việt kiều sống ở nước ngoài khi có dịp cũng “thỉnh” chân hương tại đất Tổ để về cắm trên bàn thờ của gia đình mình. Điều đó khẳng định: Ở đâu có người Việt Nam sinh sống thì ở đó có tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Từ nhiều thế kỷ nay, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành điểm hội tụ tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nên sức mạnh Việt Nam - sức mạnh tiềm tàng để xây dựng và bảo vệ đất nước.

 

Để bảo tồn và phát huy tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng bộ hồ sơ quốc gia “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” đệ trình với UNESCO đề nghị công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Trong mối liên hệ giữa lịch sử với văn hóa trong quá trình dựng nước và giữ nước, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương xứng đáng được tôn vinh trở thành giá trị văn hóa phi vật thể của nhân loại.

 

Những ngày này, trên đất tổ Hùng Vương, lễ hội Đền Hùng đang diễn ra long trọng. Lễ hội do tỉnh Phú Thọ chủ trì có sự tham gia của 8 tỉnh Lạng Sơn, Hà Nam, Thanh Hóa, Hà Tĩnh. Bình Định, Đồng Nai, Đắk Lắk, Bà Rịa- Vũng Tàu. Mở đầu là lễ đón Bằng công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại và Khai mạc Lễ hội Đền Hùng vào tối ngày 13-4 (tức mùng 4-3 âm lịch) tại Sân lễ hội, Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Lễ hội sẽ được tổ chức trong 7 ngày từ mồng 4 đến mồng 10-3 âm lịch. Phần lễ tiếp tục được tổ chức đảm bảo trang nghiêm, thành kính. Phần hội với nhiều hoạt động đa dạng đặc sắc bảo đảm vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Không gian lễ hội trải dài từ Đền Hùng, thành phố Việt Trì và các huyện lân cận như: Phù Ninh, Lâm Thao. Đặc biệt năm nay lần đầu tiên các địa phương có di tích thờ cúng Hùng Vương, vợ con, tướng lĩnh, danh nhân thời đại Hùng Vương không chỉ ở Phú Thọ mà ở tất cả các tỉnh, thành trong cả nước đều tổ chức lễ dâng hương tưởng nhớ công ơn các Vua Hùng. Với chủ đề “Văn hóa đất Tổ Hùng Vương- Hội tụ và tỏa sáng”, Lễ đón nhận có sự tham gia của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các tỉnh, thành phố và đại diện 24 nước trong Ủy ban liên Chính phủ thực hiện công ước năm 2003 của UNESCO và đông đảo đồng bào Việt nam sinh sống ở nước ngoài.

 

Việc UNESCO công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được tỉnh Phú Thọ tổ chức đón nhận và vinh danh tại lễ Hội Đền Hùng năm nay một lần nữa khẳng định sức sống hàng ngàn năm của một truyền thống tốt đẹp, với dòng máu Lạc Hồng chảy trong huyết quản của mỗi người dân Việt Nam, truyền thống đó đã khẳng định tính kết nối và lan tỏa mạnh mẽ của một di sản văn hóa thuần Việt.