Ngày 17/4, Trung tâm nghiên cứu, sản xuất vắcxin và sinh phẩm y tế (Polyvac) đã chính thức nhận chuyển giao công nghệ từ các chuyên gia của Nhật Bản để tự sản xuất vắcxin phối hợp sởi-rubella.
Tại buổi ký kết biên bản thảo luận - văn kiện chính thức của dự án “Tăng cường năng lực sản xuất vắcxin phối hợp sởi-rubella,” tổ chức chiều cùng ngày tại Hà Nội, ông Tsuno Motonori - Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam cho hay Việt Nam là nước đầu tiên Nhật Bản tiến hành chuyển giao công nghệ sản xuất loại vắcxin phối hợp này.
Dự án được bắt đầu triển khai từ tháng 5 năm 2013 và kéo dài trong gần 5 năm, với tổng ngân sách dự kiến khoảng 707 triệu yên Nhật (tương đương 7,5 triệu USD).
Trong Dự án này, JICA sẽ cử các chuyên gia Nhật Bản sang chuyển giao công nghệ và tiếp nhận đối tác Việt Nam sang Nhật Bản học tập công nghệ sản xuất vắcxin.
Polyvac - Nhà máy sản xuất vắcxin sởi do JICA viện trợ có công suất 7.5 triệu liều/năm, sẽ được trang bị và bổ sung thêm thiết bị để có thể sản xuất được vắcxin phối hợp sởi-rubella.
Dự kiến đến cuối năm 2017, Polyvac sẽ tự chủ được công nghệ sản xuất vắcxin phối hợp trên và năm 2018 sẽ bắt đầu cung cấp vắcxin này cho trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Ông Tsuno Motonori chia sẻ: “Vắcxin phối hợp sởi-rubella có ưu điểm là ít gây ra tác dụng phụ cho trẻ. Polyvac - nhà máy sản xuất vắcxin đạt tiêu chuẩn GMP (Thực hành sản xuất tốt) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), kết hợp với công nghệ sản xuất tiên tiến của Nhật Bản, chúng tôi hy vọng Việt Nam có thể tự sản xuất vắcxin phối hợp sởi-rubella với chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu trong nước cũng như các nước khác trong khu vực.”
Ông Tsuno Motonori cũng cho hay, năm 2011, Việt Nam có 4.000 phụ nữ mang thai mắc rubella trong vòng ba tháng đầu và đã có 200 trẻ bị khuyết tật do những hậu quả do người mẹ nhiễm rubella. Vì vậy, việc Việt Nam tự sản xuất vắcxin sẽ góp phần bảo vệ sức khỏe cho trẻ em và giảm thiểu số trẻ khuyết tật sinh ra do mẹ mắc rubella trong 3 tháng đầu của thai kỳ.
Theo các chuyên gia về y tế, trẻ bị nhiễm rubella từ người mẹ dễ bị các dị tật như mù lòa, điếc, thần kinh…
Theo khuyến cáo của WHO, Việt Nam có kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm phòng vắcxin phối hợp sởi-rubella trong năm 2013 và 2014, sau đó tiến tới thay thế vắcxin sởi đơn mũi 1 bằng vắc xin phối hợp sởi-rubella trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Polyvac bắt đầu tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắcxin sởi đơn từ Nhật Bản vào năm 2006, đến cuối năm 2009 đơn vị này đã làm chủ được công nghệ và cung cấp vắcxin sởi cho thị trường Việt Nam.
Tính đến cuối năm 2012, khoảng 9,2 triệu liều vắcxin sởi do Polyvac sản xuất đã được cung cấp cho chương trình tiêm chủng mở rộng.