4 triệu USD giúp cải thiện quan hệ lao động tại Việt Nam

16:59, 31/05/2013

Ngày 31/5, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã khởi động dự án “Hỗ trợ phát triển quan hệ lao động, cơ chế xác định tiền lương, năng lực và các thể chế thực thi pháp luật lao động ở Việt Nam".

Dự án kéo dài 4 năm từ 2013-2016, trị giá 4 triệu USD. Đây là dự án ODA với nhằm mục đích hỗ trợ Việt Nam triển khai thực hiện hiệu quả bộ Luật Lao động và Luật Công đoàn sửa đổi, phát triển quan hệ lao động tại Việt Nam, với hỗ trợ tài chính từ Chính phủ Hoa Kỳ.

 

 

Nội dung chính của dự án gồm: Thúc đẩy đào tạo nâng cao nhận thức đề các điều luật, quy định mới; cải thiện khả năng của công đoàn tại các doanh nghiệp; hỗ trợ việc xây dựng hệ thống xác định tiền lương tối thiểu mới và thúc đẩy thương lượng tập thể.

 

Ông Gyorgy Sziraczki, Giám đốc ILO tại Việt Nam cho biết: Pháp luật lao động mới tạo nền tảng pháp lý vững chắc, giúp Việt Nam cải thiện quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động, giải quyết các vấn đề dai dẳng ở nơi làm việc. Thế nhưng, làm thế nào để triển khai luật hiệu quả là một thử thách còn khó khăn hơn quá trình xây lựng luật.

 

Theo ông Gyorgy Sziraczki, sự tham gia của chính quyền, các tổ chức đại diện cho người sử dụng lao động và người lao động từ cấp Trung ương tới địa phương là “chìa khóa đưa tới thành công”.

 

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Minh Huân nhận định, quan hệ lao động được cải thiện một cách thực chất, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các bên liên quan sẽ giúp tạo dựng một môi trường đầu tư lành mạnh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội.

 

Theo ông Yoon Youngmo, cố vấn trưởng Dự án quan hệ lao động Việt Nam – ILO, công việc của hòa giải viên lao động đóng vai trò rất quan trọng trong việc nuôi dưỡng và phát triển quan hệ lao động trên thế giới. Nếu các hòa giải viên của Chính phủ Việt Nam chủ động hơn, giám sát các “điểm nóng đình công” chặt chẽ hơn và tham gia vào quá trình thương lượng tập thể từ những giai đoạn đầu tiên, khi đó số lượng đình công tự phát sẽ giảm đáng kể và cả doanh nghiệp và người lao động đều được hưởng lợi từ điều này./.