Ban hành chính sách trọng dụng nhân tài

08:56, 07/05/2013

Trong những năm qua, việc thu hút người tài làm việc cho các cơ quan Nhà nước ngày càng khó khăn. Để khắc phục tình trạng này, Sở Nội vụ Hà Nội đã xây dựng dự thảo chính sách trọng dụng nhân tài (thực hiện khoản 2 Điều 13, Luật Thủ đô).

Hy vọng, đây sẽ là định chế mới, tạo cơ hội để những nhân tài đóng góp vào sự nghiệp xây dựng  và phát triển Thủ đô.Theo Sở Nội vụ, thực hiện Pháp lệnh Thủ đô và Nghị quyết số 29/2002/NQ - HĐND, gần 10 năm (2003-2012), UBND thành phố đã ban hành các quy định về thu hút tạo nguồn cán bộ, công chức, viên chức từ sinh viên tốt nghiệp thủ khoa xuất sắc và người có trình độ chuyên môn cao về công tác tại các cơ quan đơn vị của thành phố, trong đó đã tuyển dụng tiếp nhận 213 tài năng trẻ vào làm việc tại các cơ quan đơn vị thuộc thành phố. Tuy nhiên, so với 1.000 thủ khoa các trường đại học được tôn vinh, thì kết quả trên còn rất hạn chế. Lãnh đạo Sở Nội vụ cho rằng, trên cơ sở Luật Thủ đô (có hiệu lực từ 1/7/2013), việc Hà Nội xây dựng chính sách trọng dụng nhân tài là rất cần thiết, bảo đảm cho thành phố có được nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng sự nghiệp CNH, HĐH Thủ đô.

 

 

Theo đó, đối tượng nhân tài, bao gồm: Sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy xuất sắc, thủ khoa cho đến các tiến sĩ, bác sĩ, giáo viên, giảng viên, vận động viên, văn nghệ sĩ đến các chuyên gia, nhà khoa học, nghệ nhân, các cán bộ công chức, viên chức đang công tác trong các cơ quan đơn vị của thành phố . Chính sách ưu đãi cho các đối tượng này, bao gồm: Được làm việc, tuyển dụng trong cơ quan Nhà nước, cơ hội thăng tiến; điều kiện nơi ăn chốn ở thuận lợi, được đãi ngộ trả thù lao xứng đáng với những công trình ứng dụng mang lợi ích cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thành phố ; được tôn vinh các danh hiệu cao quý của thành phố  và T.Ư do thành phố  đề xuất khi lập những thành tích đặc biệt xuất sắc… Tuy nhiên, để được hưởng những ưu đãi đó, các nhân tài phải chịu ràng buộc, như cam kết làm việc tại các cơ quan, đơn vị thuộc T.P Hà Nội tối thiểu 7 năm; nếu vi phạm cam kết, phải bồi thường toàn bộ các khoản kinh phí được hưởng theo chính sách đãi ngộ, trả lại nhà công vụ, nhà xã hội…

 

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc, thành phố chủ trương, khuyến khích những đề tài nghiên cứu khoa học ứng dụng trực tiếp vào kế hoạch, chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, trong đó ưu tiên áp dụng công nghệ mới, tiên tiến, bảo vệ môi trường… và từ nay đến năm 2020, thành phố  cần khoảng 5.000 bác sĩ...

 

Trong khi đó, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo cho rằng, cần nới rộng phạm vi đánh giá nhân tài. Theo đó, người tài dù ở trong hay ngoài nước, hay một người thợ thủ công có "bàn tay vàng", một nông dân theo đuổi cải tiến thành công một công cụ sản xuất để nâng cao năng suất lao động, hiệu quả kinh tế; một kiến trúc sư, một nhạc sĩ, một nhà văn, nhà thơ cho tác phẩm có giá trị, được xã hội đánh giá cao…, thì đều đáng trân trọng ghi nhận, tôn vinh. Chủ tịch yêu cầu Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung những tiêu chí cụ thể, để chính sách đưa ra ứng dụng khả thi và tạo bước đột phá về thu hút, đãi ngộ và sử dụng nhân tài trên mọi lĩnh vực, đáp ứng nhiệm vụ CNH, HĐH Thủ đô.

 

Về chính sách ưu đãi, các đối tượng đủ điều kiện sẽ được tiếp nhận hoặc xét đặc cách vào cơ quan Nhà nước; phụ cấp đãi ngộ (1 lần) bằng 20 tháng lương tối thiểu; ưu tiên mua nhà ở xã hội. Nếu tự du học ở nước ngoài không dùng ngân sách, được hỗ trợ mỗi tháng bằng 5 lần mức lương tối thiểu. Sinh viên tốt nghiệp đại học đạt thủ khoa xuất sắc, được tặng bằng khen thành phố, ghi danh sổ vàng truyền thống, thưởng tiền, trị giá bằng 10 lần mức lương tối thiểu tại thời điểm tôn vinh...