Chiến công chói lọi của một dân tộc Anh hùng

08:16, 07/05/2013

Ngày 6/12/1953, tại lán làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đồi Tỉn Keo, xã Phú Đình (Định Hóa), Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị đã quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau 56 ngày đêm chiến đấu vô cùng oanh liệt, Chiến dịch đã toàn thắng mở ra trang sử mới trong lịch sử dân tộc…

Gần 60 năm đã trôi qua kể từ ngày quân, dân ta làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, nhưng ý nghĩa và tầm vóc của sự kiện lịch sử trọng đại này không hề phai mờ, những bài học lịch sử ngày nào vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…

 

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ không những được coi như một Bạch Đằng, một Đống Đa, một Chi Lăng trong thế kỷ XX mà còn đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch của chủ nghĩa đế quốc.

 

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - đỉnh cao của cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953-1954 là chiến công lớn nhất, chói lọi nhất của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954). Chiến thắng này góp phần quyết định đập tan hoàn toàn dã tâm xâm lược của thực dân Pháp, buộc chúng phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, kết thúc chiến tranh ở Đông Dương, mở ra một thời kỳ mới cho cách mạng Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia, góp phần quan trọng đối với phong trào giải phóng dân tộc, mở đầu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới.

 

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là sự kết tinh của nhiều nhân tố, trong đó quan trọng nhất là sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu; của chủ nghĩa yêu nước, tinh thần cách mạng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, của ý chí quyết chiến, quyết thắng và sức mạnh của Quân đội nhân dân, lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Chiến thắng Điện Biên Phủ đồng thời là chiến thắng của tình đoàn kết chiến đấu bền chặt, thủy chung, son sắt giữa quân đội, nhân dân 3 nước Đông Dương và sự đoàn kết, giúp đỡ, ủng hộ của các nước anh em và bạn bè quốc tế.

 

Ngày 6/12/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngày 20/11/1953, dưới sự chỉ huy của thiếu tướng Gin (Gilles), Pháp mở cuộc hành quân Castor (Hải Ly) nhảy dù chiếm Điện Biên Phủ. Lực lượng huy động gồm hơn 60 máy bay Đa-kô-ta chở sáu tiểu đoàn dù với quân số 4.545 tên cùng với 190 tấn vũ khí đạn được và các thiết bị chiến tranh. Tướng Cô-nhi, chỉ huy quân đội Pháp ở Bắc Bộ coi đây là “khởi đầu của một cuộc chiến tranh đại quy mô…

 

Trong kế hoạch Na-va đông xuân 1953-1954, Bộ Tổng tham mưu Pháp muốn giăng một cái bẫy dụ đối phương vào tròng. Cái bẫy đó, theo họ, phải được chuẩn bị chu đáo tới mức khi quân Việt Minh nhảy vào sẽ gặp một sự kháng cự, một hoả lực mạnh không thể lường trước. Cái bẫy đó chính là Điện Biên Phủ.

 

Ngày 5/1/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Bộ Chỉ huy tiền phương của Bộ Tổng Tư lệnh rời căn cứ địa Việt Bắc lên đường đi Chiến dịch Điện Biên Phủ. Mười hai ngày sau, ông đến khu rừng nguyên sinh thuộc xã Mường Phăng, nơi đặt Sở chỉ huy và cũng là nơi ông làm việc suốt thời gian diễn ra chiến dịch. Đất Điện Biên, rừng Điện Biên chở che cho ông, người Điện Biên dành cho ông những tình cảm thân thương nhất. Cũng kể từ đấy tên tuổi của ông đã gắn liền với vùng đất huyền thoại này.

 

Tại nơi này, ngày 26/1/1954, chỉ mấy tiếng đồng hồ trước khi nổ súng mở màn chiến dịch, Đại tướng đã có “quyết định khó khăn nhất” trong đời binh nghiệp: chuyển từ phương châm “Đánh nhanh, thắng nhanh” như kế hoạch ban đầu sang “Đánh chắc, tiến chắc” bảo đảm cho chiến dịch toàn thắng.

 

Ngày 13/3/1954, quân đội Việt Nam mở cuộc tiến công lớn đầu tiên vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ngay giờ đầu tiên, 500 lính Pháp đã tử trận trên quả đồi. Vào xế chiều, chúng ta tung cả sư đoàn bộ binh đánh chiếm Bê-a-tri-xơ (Him Lam), điểm chốt của trung tâm, đến nửa đêm thì Bê-a-tri-xơ chỉ còn là một nấm mồ. Chỉ có 200 binh sĩ trong số 700 quân đồn trú thoát chạy. Sau thảm hoạ đầu tiên này, Tư lệnh pháo binh, đại tá Sác-lơ Pi-rốt đã tự sát. Trận địa pháo ngay trong ngày đầu tiên của Chiến dịch khiến tướng lĩnh, quân sĩ Pháp ngạc nhiên trước sức mạnh của tinh thần đoàn kết Việt Nam.

 

Ngày 30/3/1954, đợt tiến công thứ hai của quân ta vào cứ điểm Điện Biên Phủ bắt đầu. Ngày 1/4, tướng Na-va quyết định đưa thêm ba tiểu đoàn dù tăng viện cho Điện Biên Phủ với mong muốn “Nếu Điện Biên Phủ giữ được ba ngày nữa, Việt Minh sẽ phải bỏ cuộc”. Ngày 1/5/1954, đợt tiến công thứ ba, cũng là đợt tiến công cuối cùng của quân ta vào Điện Biên Phủ bắt đầu. Ngày 6/5, quân đội Pháp tất cả đều đã kiệt sức, hoàn toàn rã rời. Hết cả đạn dược. Quân số cũng cạn.

 

Ngày 7/5, khi quân Việt Minh tới, đại tá Lăng-gle kêu gọi sĩ quan nào còn sống sót tới xung quanh để bắt đầu một cuộc thử sức cuối cùng, nhưng không ai còn khả năng chống cự lâu được nữa. Đại tá Lăng-gle báo cáo lên tướng Đờ Ca-xtơ-ri. Tướng Đờ Ca-xtơ-ri gọi cho Hà Nội và thông báo cuộc chiến đấu đã chấm dứt.

 

Với chiến thắng Điện Biên Phủ, lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại: một dân tộc vốn là thuộc địa nửa phong kiến, đất không rộng, người không đông, kinh tế còn lạc hậu, vũ khí kém cỏi, đã đánh thắng quân đội xâm lược của một cường quốc phương Tây có tiềm lực kinh tế và quân sự lớn, trang bị vũ khí hiện đại. Phương tiện vận chuyển thô sơ nhưng là sự kết tinh của khối đoàn kết dân tộc đã làm nên trận chiến lịch sử Điện Biên Phủ.