Người cắm lá cờ giải phóng ở trại Davis ngày 30/4/1975

14:37, 01/05/2013

Cách đây 38 năm, vào lúc 9 giờ 30 phút sáng 30/4/1975 lá cờ giải phóng đã được kéo lên, hiên ngang tung bay trên đỉnh tháp nước trong trại Davis (nằm trong sân bay Tân Sơn Nhất), giữa bốn bề đều là địch. Có thể nói, đây là lá cờ giải phóng sớm nhất được kéo lên ở nội đô Sài Gòn vào ngày 30/4. 38 năm đã qua, người cắm cờ đã trở về với một cuộc sống bình dị, trở thành một ngư phủ tại làng chài ven biển Phước Tỉnh, đó là ông Nguyễn Văn Cẩn chiến sỹ trong lực lượng cảnh vệ trại Davis.

Chiến tranh đã lùi sâu vào quá khứ gần 40 năm vậy mà nhiều khi cứ tưởng là như chỉ mới hôm qua, đất nước đã thay đổi quá nhiều, nhưng sự hiện hữu của một phần cuộc chiến vẫn quanh quẩn đâu đây, vẫn âm thầm tồn tại. Đó là dư âm của sự mất mát, là sự vang vọng của những chiến công.

 

 

Trên con tàu dập dềnh neo đậu ở cảng cá Phước Tỉnh sau chuyến đi biển dài ngày, lão ngư phủ Nguyễn Văn Cẩn kể: Sinh năm 1955, là con thứ bảy trong 10 người con của cụ Nguyễn Văn Lai và Đặng Thị Kính. Theo cách nói Nam bộ thì ông là thứ tám - Tám Cẩn. Năm 1942, Nguyễn Văn Lai rời làng quê ở Hải Hậu, Nam Định vào làm phu Đồn điền Cao su Phú Riềng. Năm 1948, cụ Lai đưa gia đình sang Kompong Cham, Campuchia, vẫn làm phu cao su. Hai cụ đặt tên 10 người con, 5 trai, 5 gái lần lượt là Tin, Cậy, Vững, Vàng, Chắc, Chắn, Cẩn, Thận, Đôn, Hạnh.

 

Năm 1970, Lon Nol, Sirik Matak làm đảo chính lật đổ chính quyền Shihanouk, thi hành chính sách khủng bố, tàn sát Việt kiều ở Campuchia, Nguyễn Văn Cẩn lúc ấy mới 15 tuổi đã theo 6 anh chị em khác vào Quân Giải phóng. Năm 1973, cả gia đình từ Kompong Thom chuyển về sinh sống ở xã Phước Tỉnh. Đến ngày toàn thắng đã có 3 người anh trong gia đình lần  lượt ngã xuống. Các anh Vàng, Chắc, Thận hy sinh, được công nhận là liệt sỹ. Năm 1994 cụ Đặng Thị Kính được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

 

Tám Cẩn được bố trí vào Đoàn Công binh 25, Bộ Tư lệnh Miền. Đầu năm 1973, Bộ Tư lệnh tổ chức giải bóng chuyền toàn quân Giải phóng tại "Thủ đô" Lộc Ninh. Tám Cẩn trẻ tuổi, thể hình cao lớn, là tay đập xuất sắc của đội Công binh đã "lọt vào tầm ngắm" của cấp trên. Giải kết thúc, Cẩn được Bộ Tư lệnh Miền chọn giao nhiệm vụ làm vệ binh Phái đoàn ta tại Ban Liên hợp quân sự, đi máy bay trực thăng của ngụy từ Lộc Ninh vào Trại Davis trong sân bay Tân Sơn Nhất.

 

 

Ông Nguyễn Văn Cẩn người đứng ở dưới cầm cán lá cờ trên tháp nước trại Davis ngày 30/4/1975

 

Khi đề cập đến chuyện “cắm cờ” gương mặt ông sáng bừng, đứng dậy mở tủ lấy ra mấy bức ảnh đen trắng đã ngả màu chỉ cho tôi biết: “Đây là bức hình mà anh Bất Diệt, nhà báo trong trại Davis, chụp được lúc tôi cùng anh Lãi cắm cờ trên đỉnh tháp nước trong sân bay Tân Sơn Nhất vào lúc 9 giờ 30 phút sáng 30/4/1975”.

 

Ngày 26/4/1975, tiếng pháo 130 ly gầm lên dữ dội, mở màn chiến dịch Hồ Chí Minh. Các thành viên trong trại Davis hồi hộp theo dõi từng diễn biến của chiến dịch qua sóng điện đài. Trước đó, toàn đơn vị được phổ biến phải khẩn trương chuẩn bị chiến đấu. Hầm cứu thương, hầm chiến đấu, hào giao thông đều đã bí mật đào xong, lực lượng cảnh vệ mỗi người được tăng cường 2 quả lựu đạn chống tăng.

 

Chiều ngày 28/4/1975, sân bay Tân Sơn Nhất rung chuyển bởi hàng loạt tiếng nổ dồn dập của đạn pháo và hỏa tiễn từ trận không kích của quân giải phóng vào khu vực này. “Khoảng 17 giờ 30, lúc đó tôi đang gác tại cổng trại Davis thì một một phái đoàn gồm ba người xưng là lực lượng thứ ba (sau này ông mới biết đoàn này gồm: giáo sư Châu Tâm Luân, luật sư Trần Ngọc Liễng, linh mục Chân Tín - đại diện cho chính quyền Dương Văn Minh) – đề nghị được gặp đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam để thương thảo về tình hình Sài Gòn”, ông cho biết. Phía trại Davis chỉ đồng ý tiếp đoàn với danh nghĩa cá nhân. Cùng lúc đó, các đợt pháo nã vào khu vực sân bay Tân Sơn Nhất ngày càng dữ dội, báo hiệu trận tiến công của bộ binh quân giải phóng bắt đầu. Để đảm bảo an toàn, cả ba người đã ở lại trại Davis và cùng thức trắng đêm chuyện trò với người chỉ huy Việt cộng.

 

“Sáng ngày 30/4 chỉ huy trưởng đội cảnh vệ tập hợp toàn đội, giao nhiệm vụ cho  tôi cùng anh Phạm Văn Lãi cắm lá cờ giải phóng lên trên nóc tháp nước trong trại Davis. Toàn đội đều xác định rõ là dù phải chịu thương vong hoặc hy sinh thì lá cờ cũng phải được cắm lên” - ông Cẩn nhớ lại. 9 giờ 30 phút lá cờ giải phóng trên nóc tháp nước trong sân bay Tân Sơn Nhất, từ xa hàng cây số vẫn nhìn thấy, có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với thời khắc lịch sử lúc đó. Nó vừa là hoa tiêu cho pháo binh ta bắn chính xác, làm chuẩn cho bộ đội tiến công, vừa là đòn tấn công làm rệu rã thêm tinh thần của quân địch đang kháng cự xung quanh. “Đến khoảng 10 giờ 30 phút thì lực lượng bộ binh của ta đã tiến đến và làm chủ hoàn toàn sân bay Tân Sơn Nhất” - ông Tám Cẩn nói thêm.

 

Sau ngày 30/4/1975, ông xin phục viên về chăm sóc mẹ già và gánh vác việc gia đình. Sống mưu sinh vất vả nơi đầu sóng ngọn gió, quanh năm trên biển nên ông đã đứt hẳn liên lạc với những đồng chí, đồng đội cũ ở trại Davis năm xưa, nhiều đồng đội cũ còn tưởng ông mất rồi. Mãi cho đến tháng 4/2012, tình cờ xem tivi thấy tường thuật buổi lễ phong tặng danh hiệu Anh hùng cho 2 đoàn ở trại Davis, nhận ra ông Nguyễn Văn Lãi là người đồng đội đã cùng mình cắm cờ giải phóng trên nóc tháp nước Trại Davis vào 38 năm trước, ông mới chạy đến đài truyền hình nhờ liên hệ và xin được số điện thoại của ông Lãi.

 

Tháng 6/2012, Ban liên lạc Trại Davis mời ông Cẩn về Bộ Tư lệnh Quân khu 7 cùng dự lễ mừng công, kỷ niệm 37 năm ngày toàn thắng. Gặp lại đồng đội ông mừng rơi nước mắt. Cả hai người chiến sĩ đã cắm lá cờ giải phóng trên đỉnh cao giữa sân bay Tân Sơn Nhất của địch sáng ngày 30/4 của 38 năm trước đều chẳng bận tâm đến chuyện được hay không được khen thưởng cho chiến công ấy. “Chiến công là của chung tập thể. Mình còn sống lành lặn trở về là may mắn lắm rồi, nhiều người có trở về được đâu, hai người đồng đội của tôi ngã xuống trong ngay trong ngày 29/4/1975, chỉ cách ngày toàn thắng đúng một ngày”. Ông Tám Cẩn nghẹn ngào.