Chiều 4/5, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức gặp mặt báo chí cung cấp thông tin về công tác phòng chống cúm A (H7N9, H5N1, H1N1).
Tại buổi gặp mặt, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu cho biết, theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, từ ngày 29/3 đến 2/5/2013, trên thế giới đã phát hiện 128 trường hợp nhiễm cúm A(H7N9), trong đó có 27 trường hợp tử vong tại Trung Quốc và Đài Loan.
Cụ thể, Trung Quốc đã ghi nhận 127 trường hợp mắc, trong đó đã có 27 trường hợp tử vong tại 10 tỉnh, thành phố. Còn ở Đài Loan (Trung Quốc) cũng ghi nhận trường hợp mắc cúm A(H7N9) đầu tiên vào ngày 24/4/2013.
WHO cho biết, số trường hợp mắc bệnh tăng lên theo thời gian từng ngày, lan rộng ra nhiều tỉnh, phần lớn là trường hợp nặng, bệnh gặp ở tất cả các độ tuổi, tỷ lệ tử vong cao (trên 20%).
Theo các kết quả điều tra ban đầu của WHO, nguồn lây nhiễm rất có thể từ gia cầm và môi trường bị ô nhiễm vi rút, tập trung chủ yếu ở các chợ bán gia cầm sống. Đến nay, vẫn chưa có đủ bằng chứng kết luận có sự lây truyền dễ dàng từ người sang người. Hiện Tổ chức Y tế thế giới cũng chưa có khuyến cáo hạn chế giao lưu qua lại giữa các quốc gia.
Cùng với đó, các dịch bệnh cúm A (H5N1 và H1N1) cũng tiếp tục ghi nhận sự lưu hành ở các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Riêng về chủng mới của vi rút corona gây bệnh viêm đường hô hấp cấp tính, theo thông báo của WHO, từ tháng 9/2012 đến nay, thế giới ghi nhận 24 trường hợp mắc, trong đó có 16 ca tử vong. Đa số các trường hợp mắc bệnh nặng, tỷ lệ tử vong cao trên 66%. Việt Nam chưa phát hiện trường hợp nhiễm chủng mới của vi rút corona.
Các nhà khoa học trên thế giới cho rằng, các bằng chứng hiện có cũng gợi ý rằng đây là bệnh lây truyền từ động vật sang người, nhiều khả năng có nguồn gốc từ các loài dơi. Các chùm ca bệnh được thông báo tại Anh đã cung cấp bằng chứng mạnh về khả năng vi rút corona lây truyền từ người sang người.
Theo ông Trần Đắc Phu, hiện tại, Việt Nam chưa phát hiện trường hợp nhiễm cúm A(H7N9) trên gia cầm và trên người. Tuy nhiên, với cúm A (H5N1) thì từ đầu năm đến nay đã có 2 trường hợp nhiễm cúm tại Đồng Tháp và Long An, trong đó trường hợp ở Đồng Tháp đã tử vong. Đây là hai tỉnh có biên giới với Campuchia, đều có ghi nhận các ổ dịch cúm A (H5N1) trên đàn gia cầm, thủy cầm và bệnh nhận có tiếp xúc, giết mổ và ăn thịt gia cầm.
Với cúm A (H1N1), từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 300.000 người nhiễm cúm, trong đó có 3 trường hợp tử vong vì cúm A(H1N1) (2 tại Yên Bái và 1 tại Thanh Hóa). Phần lớn các trường hợp mắc cúm trên đều nhẹ và đã có vắc xin phòng bệnh. Tuy nhiên, kết quả giám sát trọng điểm cúm quốc gia cho thấy, tỷ lệ vi rút cúm A(H1N1) có xu hướng gia tăng, chiếm 46% trường hợp mẫu bệnh phẩm dương tính với vi rút cúm.
Nhận định về tình hình dịch, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, mặc dù Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nhiễm cúm A(H7N9) ở trên người và gia cầm nhưng dịch bệnh cúm A(H7N9) có nguy cơ xâm nhập, lan truyền và gây bùng phát dịch rất cao ở nước ta nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng bệnh…
Liên quan đến cúm A(H1N1), Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long chia sẻ, người dân không nên quá hoang mang về cúm A(H1N1) bởi vì đây là cúm mùa và đã có vắc xin phòng bệnh. Tất cả các loại cúm đều có nguy cơ tử vong. Kết quả giám sát trọng điểm cúm quốc gia cho thấy tỷ lệ vi rút cúm A(H1N1) đại dịch trong số các mẫu bệnh phẩm dương tính với vi rút cúm có xu hướng gia tăng; nguyên nhân có thể do chu kỳ dịch bệnh hoặc do đặc tính luôn thay đổi nhau và có tính mùa của các vi rút cúm.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của các dịch cúm A, Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ, ngành chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt là cúm A (H7N9). Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tập trung vào các hoạt động trọng tâm như tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Công điện số 528/CĐ-TTg ngày 15/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch cúm A (H7N9) và cúm A(H5N1).
Cùng với đó, ngành y tế tiếp tục triển khai công tác kiểm dịch y tế biên giới; tăng cường giám sát các trường hợp mắc bệnh viêm phổi nặng nghi do vi rút tại các cơ sở y tế và cộng đồng, kịp thời lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh; chỉ đạo hệ thống khám chữa bệnh thiết lập mạng lưới, sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân, phát hiện sớm trường hợp mắc để điều trị kịp thời; phục vụ tốt cho công tác cách ly, xử lý dịch tại cộng đồng tránh lây lan và giảm tử vong.
Đồng thời, đôn đốc các tỉnh chưa phê duyệt kế hoạch phòng chống dịch bệnh, khẩn trương xây dựng kế hoạch liên ngành phòng chống dịch cúm A(H7N9) và cúm A(H5N1); phối hợp với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh và sự lưu hành của vi rút cúm A(H7N9) và cúm A(H5N1) trên các đàn gia cầm; xử lý triệt để ổ dịch và triển khai các hoạt động phòng chống dịch lây lan sang người; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về tình hình dịch bệnh, vệ sinh trong chăn nuôi, giết mổ gia cầm...
Để chủ động phòng chống các dịch bệnh cúm, ngăn ngừa khả năng lây lan mạnh ra cộng đồng, Bộ Y tế tiếp tục khuyến cáo người dân thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, môi trường; cải thiện sức khỏe và khả năng phòng bệnh bằng chế độ ăn uống đủ chất dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý, tập thể dục; đến ngay cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị khi có hiện tượng sốt cao trên 38 độ, ho, đau họng, nhức đầu, khó thở, đau cơ và mệt mỏi sau khi có tiếp xúc với nguồn bệnh…