Chính phủ vừa hoàn thành dự thảo Nghị định quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính.
Nghị định quy định: Tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu phải được quản lý, bảo quản chặt chẽ, an toàn, tránh nhầm lẫn, không để gây ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh, thuận lợi cho việc quản lý và phục vụ tốt công tác xử lý vi phạm hành chính; nghiêm cấm mọi hành vi đánh tráo, chiếm đoạt, mua bán trái phép, làm mất, hư hỏng, thiếu hụt, vi phạm niêm phong tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu và các hành vi trục lợi khác; nơi tạm giữ tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu là nhà kho, bến, bãi, trụ sở cơ quan, nơi làm việc của người có thẩm quyền phải bảo đảm an toàn phòng, chống cháy, nổ và đáp ứng được các điều kiện về bảo vệ môi trường.
Người được giao nhiệm vụ quản lý tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu phải phân loại từng tang vật, phương tiện để thuận tiện cho công tác quản lý.
Trường hợp tang vật, phương tiện bị tạm giữ không thể di chuyển về nơi tạm giữ được thì người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ có thể quyết định giao cho cá nhân, tổ chức có tang vật, phương tiện bị tạm giữ hoặc giao cho UBND xã, phường, thị trấn nơi có tang vật, phương tiện bị tạm giữ quản lý.
Trường hợp chuyển tang vật, phương tiện đó sang Cơ quan điều tra, tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp, Hội đồng bán đấu giá hoặc cơ quan giám định thì người quản lý tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu phải lập biên bản về số lượng, khối lượng, chủng loại, xuất xứ, tình trạng của tang vật, phương tiện.
Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã quá thời hạn tạm giữ nếu người vi phạm không đến nhận hoặc không xác định được người vi phạm thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan có thẩm quyền tạm giữ.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thông báo, niêm yết công khai, nếu người vi phạm không đến nhận thì người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để xử lý theo quy định.
Khi đến nhận lại tang vật, phương tiện bị tạm giữ, cơ quan tổ chức, cá nhân có quyền kiểm tra tang vật, phương tiện bị tạm giữ dưới sự chứng kiến của cán bộ quản lý.
Nếu phát hiện thấy tài sản bị mất, đánh tráo, hư hỏng, thiếu hụt thì có quyền yêu cầu cán bộ quản lý lập biên bản và yêu cầu cơ quan quản lý tang vật, phương tiện bồi thường.
Bộ Công an có trách nhiệm tham mưu, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý tang vật, phương tiện; thực hiện thanh tra, kiểm tra, đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý tang vật, phương tiện.