Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua năm 2012 và chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/5/2013 với nhiều điều chỉnh mới về chế độ tiền lương, thời giờ nghỉ ngơi, quy định tuổi nghỉ hưu... Quyền lợi người lao động theo đó được tăng đáng kể, đánh dấu bước tiến mới.
Quy định tiền lương ra sao?
Bộ luật Lao động chỉ quy định những vấn đề có tính nguyên tắc trong chi trả lương cho người lao động như: mức lương tối thiểu, xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động, hình thức, kỳ hạn trả lương, tiền lương làm thêm giờ, ngừng việc...
Bộ luật không nêu cụ thể mức lương tối thiểu mà quy định mở để áp dụng phù hợp từng thời điểm: Căn cứ vào nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, điều kiện kinh tế - xã hội và mức tiền lương trên thị trường lao động, Chính phủ công bố mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của hội đồng tiền lương quốc gia.
Lương tối thiểu hiện đang áp dụng mức 1,05 triệu đồng. Theo lộ trình cải cách tiền lương giai đoạn 2008 - 2013, ban đầu dự kiến đến 2013, mức lương tối thiểu sẽ tăng lên 1,3 triệu đồng. Tuy nhiên, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội quyết định vẫn tăng lương tối thiểu năm 2013, nhưng mức tăng chỉ 100.000 đồng, lên 1,15 triệu đồng, áp dụng từ 1/7/2013. Như vậy, lộ trình cải cách tiền lương hiện vẫn chưa thể thực hiện như dự kiến.
Trong 10 năm qua, mức lương tối thiểu tăng gần 4 lần (năm 2003, lương tối thiểu 290.000 đồng). Các năm cơ bản đều thực hiện tăng lương, trừ năm 2004 và 2007. Tuy nhiên, do áp lực lạm phát một số năm rất cao nên giá trị tiền lương được cải thiện trên thực tế không lớn.
Năm nay, với việc nâng mức lương tối thiểu thêm 100.000 đồng, là sự cố gắng lớn của Chính phủ trong điều kiện nguồn thu ngân sách eo hẹp (ước tính, ngân sách bù cho tăng lương thêm khoảng 20 nghìn tỉ đồng). Tín hiệu đáng mừng là hai năm nay, lạm phát ở mức thấp, trong đó một số tháng, giá tiêu dùng tăng âm hoặc tăng không đáng kể nên việc điều chỉnh tiền lương thêm khoảng 9,5% trong trong thời điểm này vẫn có ý nghĩa cải thiện phần nào.
Làm việc vào ngày lễ được hưởng thêm 300% lương
Ngoài lương tối thiểu, Bộ luật Lao động quy định rõ người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm. Theo đó, người lao động làm thêm vào ngày thường, được trả ít nhất bằng 150%; vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%; vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300%, chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
Người lao động làm việc vào ban đêm được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc của ngày làm việc bình thường.
Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định trên còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày.
Người lao động thêm nhiều quyền lợi theo quy định mới.
Nghỉ Tết âm lịch 9 ngày mà không cần làm bù
Thời giờ làm việc về cơ bản như Bộ luật Lao động hiện hành. Ở lần sửa đổi này, có hai điểm mới đáng chú ý: Quy định người lao động được kéo dài thêm thời gian nghỉ Tết Nguyên đán và kéo dài thời gian nghỉ thai sản.
Bộ luật Lao động hiện hành quy định cả năm có 9 ngày nghỉ lễ (4 ngày Tết Nguyên đán, 1 ngày Tết dương lịch, 1 ngày Quốc khánh, 1 ngày chiến thắng 30/4, 1 ngày Quốc tế Lao động và 1 ngày Giỗ Tổ). Kể từ năm nay, Tết Nguyên đán được tăng thêm 1 ngày, tổng 5 ngày. Đây là điểm mới trong lịch sử pháp luật về lao động nước ta.
Khi thảo luận tại Quốc hội, nhiều ý kiến cho rằng, việc quy định 4 ngày nghỉ Tết âm lịch như thường lệ, cùng với 4 ngày thứ bảy, chủ nhật tuần liền kề dẫn tới có một ngày làm việc “xen kẹt” giữa chuỗi 8 ngày nghỉ. Điều này dẫn tới hằng năm, Chính phủ phải quy định người làm lao động được nghỉ ngày “xen kẹt” nhưng phải làm bù. Như vậy, với quy định mới, từ nay người lao động được nghỉ Tết âm lịch hẳn 9 ngày (tính cả hai thứ bảy, chủ nhật) mà không phải làm bù.
Mang thai từ tháng thứ 7 không phải làm đêm, không phải công tác xa
Thời hạn nghỉ thai sản theo quy định mới được nâng lên 6 tháng, so 5 tháng như hiện nay. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 2 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng. Thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá 2 tháng.
Bộ luật Lao động sửa đổi lần này đã khắc phục những khiếm khuyết của Bộ luật năm 1994 khi quy định nghỉ thai sản 4 - 6 tháng khiến việc áp dụng không thống nhất, gây những thắc mắc về việc áp dụng.
Đồng thời, bổ sung quy định bảo vệ thai sản đối với lao động nữ như: người sử dụng lao động không được sử dụng lao động nữ làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong các trường hợp mang thai từ tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Lao động nữ làm công việc nặng nhọc khi mang thai từ tháng thứ 7, được chuyển làm công việc nhẹ hơn hoặc được giảm bớt 1 giờ làm việc hằng ngày mà vẫn hưởng đủ lương...
Ba nhóm sẽ được kéo dài tuổi hưu
So với Bộ luật hiện hành, Bộ luật mới cơ bản giữ nguyên quy định về tuổi nghỉ hưu. Điều 187 quy định: “Người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi”.
Việc quy định độ tuổi nghỉ hưu với nam là 60, nữ 55 được Quốc hội quyết định sau khi khảo sát các quan điểm khác nhau. Trước đó, nhiều ý kiến đề nghị nâng tuổi lao động nam, nữ bình đẳng, đều 60, trong khi một số ý kiến đề nghị tuổi nghỉ hưu nam là 65, nữ 60.
Để có độ mở trong áp dụng, tại khoản 3, Điều 187 quy định: “người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 năm so với quy định tại khoản 1 Điều này”. Hiện Chính phủ đang giao Bộ Lao động, Thương binh, Xã hội soạn dự thảo Nghị định hướng dẫn thực hiện điều khoản này.
Theo đó, có 3 trường hợp sẽ được áp dụng kéo dài tuổi nghỉ hưu thêm 2 - 5 năm, gồm: người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao (như giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, kiến trúc sư, các chuyên gia...), người lao động làm công tác quản lý (lãnh đạo) và một số trường hợp đặc biệt khác.
Đối với nhóm lao động làm công tác quản lý, hiện có hai ý kiến: một là chỉ áp dụng nâng tuổi hưu đối với lãnh đạo cấp vụ, cục trở lên; hai là áp dụng với lãnh đạo từ cấp phòng trở lên.
Những vấn đề này đang tiếp tục được lấy ý kiến và nếu được thông qua sẽ có hiệu lực thi hành từ giữa 2014