Từ ngày 1/7/2013, 9 Luật sẽ có hiệu lực thi hành, gồm Luật Thủ đô; Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ Quốc gia; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư; Luật Hợp tác xã; Luật Xuất bản.
Luật Thủ đô gồm 4 Chương, 27 Điều, quy định vị trí, vai trò của Thủ đô; chính sách, trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô; các chính sách, cơ chế đặc thù của Thủ đô trong các lĩnh vực như quy hoạch, không gian kiến trúc, cảnh quan, trật tự xây dựng Thủ đô...
Luật quy định biểu tượng của Thủ đô - hình tượng đặc trưng gắn với truyền thống lịch sử, văn hóa của Hà Nội và cả dân tộc Việt Nam, thể hiện nguyện vọng, niềm tự hào của người dân Thủ đô và nhân dân cả nước về một Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại của nước Việt Nam là hình ảnh Khuê Văn Các tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám.
Đồng thời, Luật cũng quy định một số biện pháp nhằm giảm số lượng dân cư tập trung quá đông ở nội thành, tạo nên diện mạo mới của Thủ đô.
Với 12 Chương, 142 Điều, Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định các nguyên tắc bảo đảm công bằng, công khai, khách quan, tôn trọng quyền giải trình của cá nhân, tổ chức; người có thẩm quyền xử phạt, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý hành chính có trách nhiệm chứng minh hành vi vi phạm bằng việc áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ việc một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ; cá nhân, tổ chức bị xử phạt, cá nhân bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính...
Về đối tượng bị xử lý vi phạm hành chính, Luật quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi vi phạm hành chính được thực hiện do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi hành vi vi phạm hành chính do mình gây ra.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân nhằm kịp thời khắc phục những bất cập của Luật Thuế thu nhập cá nhân: giảm mức động viên cho người nộp thuế, hướng nhiều về những người có thu nhập thấp trong biểu thuế thể hiện sự chia sẻ của Nhà nước đối với người dân trong điều kiện kinh tế khó khăn; đảm bảo đơn giản hóa chính sách, tạo thuận lợi cho người nộp thuế và công tác quản lý thu, đáp ứng yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác quản lý thu.
Luật điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế từ mức 4 triệu đồng/tháng lên 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm); mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc từ 1,6 triệu đồng/tháng lên 3,6 triệu đồng/tháng.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực quy định ưu tiên phát triển điện lực phục vụ nông thôn, miền núi, biên giới hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn; ưu đãi đối với dự án đầu tư phát triển nhà máy phát điện sử dụng các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo.
Luật cũng quy định giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện lực.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế sửa đổi 36 Điều trong tổng số 120 Điều của Luật Quản lý thuế và 2 nội dung về kĩ thuật văn bản nhằm kịp thời khắc phục những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật quản lý thuế; cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi cho người nộp thuế; bổ sung những phương thức mới nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế.
Luật Dự trữ Quốc gia kế thừa các mục tiêu nêu tại Pháp lệnh Dự trữ Quốc gia, để phù hợp với thực tiễn, mục tiêu của dự trữ Quốc gia được quy định: Nhà nước hình thành, sử dụng dự trữ quốc gia nhằm chủ động đáp ứng yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh; phục vụ quốc phòng, an ninh.
Luật quy định cơ quan dự trữ quốc gia có trách nhiệm tham mưu để Bộ Tài chính thực hiện quản lý Nhà nước về dự trữ Quốc gia; trực tiếp quản lý hàng dự trữ Quốc gia theo quy định của Luật và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư tập trung sửa đổi, bổ sung một số điều nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức, hoạt động luật sư; bổ sung một số quy định nhằm phát huy vai trò tự quản của tổ chức xã hội-nghề nghiệp của luật sư trước những yêu cầu mới của cải cách hành chính, cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế, bảo đảm cho hoạt động luật sư tiếp tục phát triển ổn định và bền vững.
Luật tăng thời gian đào tạo nghề luật sư từ 6 tháng lên 12 tháng. Bên cạnh đó, thời gian tập sự hành nghề luật sư được rút ngắn từ 18 tháng xuống còn 12 tháng nhằm đảm bảo tổng thời gian đào tạo nghề luật sư và thời gian tập sự hành nghề vẫn là 24 tháng.
Luật Hợp tác xã gồm 9 Chương, 64 Điều, trong đó nêu rõ hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 7 thành viên tự nguyện thành lập, hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Về thành lập và đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, luật quy định các nội dung sáng lập viên, hội nghị thành lập hợp tác xã; nội dung điều lệ hợp tác xã; tên, biểu tượng hợp tác xã; các quy định về đăng ký hợp tác xã, văn phòng đại diện, chi nhánh của hợp tác xã.
Luật Xuất bản gồm 6 Chương, 54 Điều. Để tạo điều kiện cho hoạt động xuất bản thực hiện tốt chức năng là công cụ sắc bén của Đảng trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, cùng với việc kế thừa các quy định về chính sách phát triển sự nghiệp xuất bản hiện hành.
Luật Xuất bản bổ sung một số chính sách cụ thể về hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng, hiện đại hóa cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ - kỹ thuật tiên tiến cho các nhà xuất bản, cơ sở in, cơ sở phát hành theo một số nhiệm vụ, đối tượng, địa bàn cụ thể và thực hiện xuất bản xuất bản phẩm điện tử. Luật xây dựng hệ thống thông tin dự liệu đặc tả của xuất bản phẩm điện tử nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tìm kiếm, truy nhập, quản lý, lưu trữ xuất bản phẩm điện tử.