Chất vấn tại Quốc hội: Cần tăng tính đối thoại

11:33, 16/06/2013

Đa số ý kiến  đánh giá phiên chất vấn tại kỳ họp này cơ bản đã diễn ra trên tinh thần thẳng thắn và trách nhiệm.

Kết thúc hơn 2 ngày Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn các Bộ trưởng và thành viên Chính phủ, nhìn chung các câu hỏi của đại biểu và trả lời chất vấn của các Bộ trưởng, trưởng ngành đã đi thẳng vào vấn đề mà đại biểu và cử tri quan tâm. Tuy nhiên, nhiều đại biểu đều cho rằng, các phiên chất vấn cần tăng đối thoại giữa đại biểu quốc hội và người trả lời chất vấn.

 

Đa số ý kiến của cử tri và đại biểu Quốc hội đánh giá phiên chất vấn tại kỳ họp này cơ bản đã diễn ra trên tinh thần thẳng thắn và trách nhiệm. Đại biểu đã gửi tới các Bộ trưởng, thành viên chính phủ những câu hỏi rõ ràng và các Bộ trưởng cũng trả lời trọng tâm đi thẳng vào những vấn đề đại biểu cùng cử tri quan tâm.

 

Trong quá tình trả lời của 4 vị trưởng ngành, đã có sự tham gia bổ sung, giải trình thêm của 7 vị Bộ trưởng và 2 Phó Thủ tướng tham gia, làm rõ thêm nhiều nội dung và hướng giải quyết đối với các vấn đề mà đại biểu đã nêu ra. Phiên chất vấn đã phát huy vai trò chủ động của Chủ tịch Quốc hội điều hành kịp thời định hướng lại những câu hỏi dài và không rõ ý. Chủ tịch Quốc hội cũng đã nhiều lần "tuýt còi" những phần trả lời chất vấn còn vòng vo không đi vào trọng tâm nội dung mà đại biểu quan tâm.

 

Đại biểu Chu Sơn Hà (đoàn Hà Nội) cho rằng vẫn có Bộ trưởng còn trả lời chưa đúng trọng tâm: "Chủ tịch Quốc hội điều hành có thái độ rất dứt khoát. Tuy nhiên có những lần cần phải dứt khoát hơn. Lấy ví dụ như khi Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh trả lời triền miên thì Chủ tịch Quốc hội đã 3 lần nhắc và thổi còi. Nhưng tôi nghĩ rằng cũng cần phải cương quyết hơn để làm sao cho người chất vấn trả lời vào đúng trọng tâm câu hỏi. Tôi cho rằng Chủ tịch Quốc hội cũng có gợi ý tất cả những nội dung trọng tâm mà đại biểu đã trình bày đối với người trả lời, nhưng người trả lời hình như cũng chưa quan tâm tới gợi ý của Chủ tịch Quốc hội, cho nên cũng trả lời không đúng với gợi ý của Chủ tịch Quốc hội. Cái này thuộc trách nhiệm của người trả lời".

 

Nhiều ý kiến cho rằng, những câu hỏi mà đại biểu đặt ra đối với các Bộ trưởng, trưởng ngành lần này đã cơ bản nêu “đúng và trúng” vấn đề nóng, đang được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm. Một số đại biểu đặt câu hỏi vẫn còn chưa sát với chức năng quản lý của từng Bộ, ngành, câu hỏi còn dài dòng nặng tính giải thích, nêu quan điểm. Có câu hỏi về những vấn đề nhỏ không bao quát, chưa liên quan đến lợi ích của đông đảo cử tri. Qua chất vấn, cử tri và đại biểu mong đợi nhận được những câu trả lời cụ thể từ phía các thành viên Chính phủ về việc có hay không vấn đề được nêu ra. Nếu có thì trách nhiệm thuộc về ai và biện pháp thế nào, khi nào thì giải quyết. Một số nội dung kỳ vọng này chưa được đáp ứng, tức là không đưa ra được cam kết, giải pháp cụ thể.

 

Theo đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng), ngoài trách nhiệm của Bộ trưởng cũng có phần do đại biểu đặt câu hỏi chưa rõ hoặc chưa đeo bám tới cùng: "Tôi cho rằng với tinh thần trách nhiệm của Bộ trưởng rất cao đã trả lời nhiều vấn đề của đại biểu nêu và cũng đáp ứng được phần nào. Tuy nhiên thì cũng có những Bộ trưởng trả lời còn dài chưa đi vào trọng tâm và cũng chưa giám khẳng định, có câu hỏi cần khẳng định. Cần rút kinh nghiệm. Có những đại biểu hỏi dài quá hoặc chưa đúng trọng tâm. Tôi mong muốn kể cả người hỏi người trả lời phải rõ ràng, mạch lạc.

 

Để nâng cao chất lượng các phiên chất vấn, nhiều đại biểu cho rằng, nên chọn nội dung chất vấn cùng với nội dung giám sát tối cao của Quốc hội thì chất vấn sẽ sâu sát hơn".

 

Đại biểu Dương Trung Quốc, đoàn Đồng Nai nhận xét, kỹ năng đặt câu hỏi của đại biểu Quốc hội ngày càng tốt hơn cho dù vẫn còn một số câu hỏi nêu ra cho các vị Bộ trưởng thuộc về trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương. Về phía các Bộ trưởng cũng đã có sự chuẩn bị kỹ nội dung trả lời nhưng tính chất giao lưu, phản biện của đại biểu Quốc hội chưa cao: "Mục tiêu chất vấn là làm rõ vấn đề mà đời sống đang bức xúc, để chất vấn Bộ trưởng xem sự giải đáp đúng không.Nhưng quan trọng sau sự giải đáp đó làm sao để có sự thay đổi. Tôi nghĩ ở những kỳ họp được nhân dân quan tâm, bàn về những vấn đề lớn nên có Phó Thủ tướng hoặc Thủ tướng thay mặt Chính phủ trả lời chất vấn và các Bộ trưởng liên quan hỗ trợ phiên chất vấn".

 

Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, đại biểu Quốc hội và cử tri cũng chia sẻ với Chính phủ và các Bộ trưởng khi điều hành công việc cũng như những vấn đề cụ thể của từng ngành. Tuy nhiên không phải vì như thế mà không khí hội trường bớt sôi động, càng chia sẻ càng cần có những câu chất vấn xác đáng, nhằm tìm ra giải pháp cuối cùng. Để làm được điều này thì cần tăng thời gian chất vấn hoặc giảm số Bộ trưởng, trưởng ngành tham gia trả lời chất vấn ở mỗi kỳ họp.

 

Đại biểu Lê Như Tiến, đoàn Quảng Trị kiến nghị: "Tôi nghĩ nếu có nhiều thời gian hơn để cho đối thoại trực tiếp nhiều hơn giữa đại biểu quốc hội và người trả lời chất vấn, tăng tính đối thoại lên. Mỗi một vấn đề đối thoại cho đến cùng thì hiệu quả tăng lên rất nhiều. Rất tiếc mỗi kỳ có 2 ngày rưỡi thôi thì cũng khó đạt được sự đối thoại cao để đạt được đến hiệu quả như mong muốn".

 

Kết thúc mỗi phần chất vấn và sau 2 ngày rưỡi chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đều “chốt” những nhiệm vụ trọng tâm mà từng Bộ, ngành được chất vấn cần quan tâm, giải quyết trong thời gian tới để có báo cáo Quốc hội tại kỳ họp tới. Quốc hội, từng đại biểu Quốc hội và các Bộ trưởng cùng thể hiện sự quyết tâm phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ được giao năm 2013, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, hoàn thành tốt các chỉ tiêu kinh tế xã hội mà Quốc hội đề ra.