Lập Hội đồng Nghệ thuật chọn mẫu Quốc phục

16:32, 10/06/2013

Hội đồng Nghệ thuật chấm chọn mẫu Lễ phục Nhà nước, Ban Cố vấn, Ban Tổ chức xây dựng và triển khai Đề án Lễ phục Nhà nước với tổng cộng 30 thành viên vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành lập với quyết tâm chọn ra mẫu quốc phục chính thức.

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vừa thành lập Hội đồng Nghệ thuật chấm chọn mẫu Lễ phục Nhà nước gồm 10 thành viên do Nghệ sĩ Ưu tú Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch làm Chủ tịch Hội đồng. Phó Chủ tịch Hội đồng là PGS, hoạ sĩ Lê Anh Vân, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam.

 

Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng quyết định thành lập Ban Cố vấn và Ban Tổ chức xây dựng và triển khai Đề án Lễ phục Nhà nước.

 

Ban Cố vấn gồm 4 thành viên: GS, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước; PGS-TS Trần Lâm Biền; GS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa; nhà Sử học Dương Trung Quốc, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử, Tổng Biên tập Tạp chí Xưa và Nay.

 

Ban Tổ chức xây dựng và triển khai Đề án Lễ phục Nhà nước gồm 16 thành viên, Trưởng Ban là ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm và Phó Trưởng ban là bà Đoàn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, cùng 14 ủy viên.

 

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, tính từ năm 1990 đến nay, không dưới 10 lần vấn đề xây dựng Lễ phục Nhà nước được các cấp, ngành xới lên, yêu cầu thực hiện nhưng vẫn chưa tìm được thiết kế nào đáp ứng được tiêu chí vừa thời trang, vừa kế thừa truyền thống, lại vừa hợp lý trong mục đích sử dụng.

 

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng công nhận vấn đề lễ phục đã được đặt ra từ lâu song chưa đi đến thống nhất vì chưa tìm ra kiểu mẫu phù hợp.

 

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã giao Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, triển khai xây dựng đề án lễ phục Nhà nước nhằm đi đến sự thống nhất, tìm tiếng nói chung giữa các chuyên gia.



Đến nay, Đề án đã được tổ chức Hội thảo lấy ý kiến các nhà nghiên cứu văn hóa, nhà thiết kế và họa sĩ tại Hà Nội (21/12/2012), Đà Nẵng (18/4/2013) và thành phố Hồ Chí Minh (17/4/2013).

 

Nhiều đại biểu cho rằng, đối với nữ nên chọn lễ phục là áo dài, còn lễ phục của nam giới nên chọn veston. Một số quan điểm lại đề nghị chọn lễ phục áo dài dành cho cả nam lẫn nữ, tuy nhiên với áo dài của nam cần phải cách tân phù hợp với thời đại hiện nay…

 

 

 

Thứ trưởng Vương Duy Biên cho biết trong tuần này, Hội đồng Nghệ thuật chấm chọn mẫu Lễ phục Nhà nước sẽ họp phiên đầu tiên.

 

 

Được biết, hiện nay, thế giới có 74/196 nước đã có quốc phục dân tộc. “Việc xây dựng thiết kế bộ lễ phục nhằm khẳng định bản sắc dân tộc và vị thế độc lập của một nền văn hiến quốc gia là một việc làm rất cần thiết” - Thứ trưởng Vương Duy Biên nói.

 

 

 

Từ năm 1990, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã chỉ thị Bộ Văn hóa nghiên cứu tìm ra Lễ phục Việt Nam. Năm 1991, Bộ Văn hóa đề xuất đề tài xây dựng Quốc phục.


Năm 1992, Nhà nước có văn bản thông báo, quy định về lễ phục cho các cấp lãnh đạo, cán bộ… Năm 1998, nhân Hội nghị ASEAN 6, chúng ta đã tiếp tục may thử nhưng không thành công. Năm 2006, nhân Hội nghị APEC, chuyện Quốc phục lại được nêu ra.

 

Sau một thời gian im ắng, đến năm 2010, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đặt vấn đề xây dựng đề án Quốc phục nhưng vẫn chưa thực hiện được. Theo chỉ đạo của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, năm 2011 đã có cuộc họp của nhiều nhà quản lý các ban, ngành.


Nhưng cho đến cuối năm 2012, đề tài tìm kiếm “Lễ phục Nhà nước” mới thật sự “nóng” trở lại. Ngày 21/12, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng một số đơn vị trực thuộc đã tổ chức hội thảo "Quốc phục Việt Nam - Mục đích và tiêu chí lựa chọn" với mong muốn tìm ra kết quả cuối cùng để xây dựng đề án Quốc phục Việt Nam.