Sáng 14-6, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Phạm Thị Hải Chuyền tiếp tục trả lời chất vấn, trước khi Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng kết luận và yêu cầu Bộ trưởng xử lý bốn vấn đề chính mà đại biểu chất vấn.
Theo Chủ tịch Quốc hội, trong phần chất vấn của đại biểu Quốc hội từ chiều 13-6 đến sáng nay, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền đã trả lời mạch lạc, rõ ràng đối với những câu hỏi rất cụ thể, đặt ra những vấn đề rất bức xúc của đại biểu. Bốn vấn đề chính được Chủ tịch Quốc hội tổng kết và mong ngành LĐTBXH thực hiện trong thời gian tới.
Vấn đề thứ nhất về công tác đào tạo nghề, đây là một trọng trách lớn của Bộ LĐTBXH vì phạm vi ảnh hưởng rất rộng đối với đời sống toàn dân.
Để làm tốt trọng trách này, cần phải rà soát sắp xếp lại các cơ sở đào tạo nghề. Vì hiện nay cơ sở đào tạo nghề quá nhiều, theo thống kê có đến hơn 800 cơ sở, có huyện có tới ba cơ sở đào tạo, cả các xã cũng tiến hành đào tạo. Theo Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng, mỗi huyện có một sơ sở đào tạo là đã quá nhiều, mà mỗi tỉnh 12 huyện thị chỉ nên có đến sáu cơ sở đào tạo.
Cần có sự phối hợp, gắn kết giữa Bộ Giáo dục–Đào tạo và Bộ LĐTBXH trong việc đào tạo nghề. Cần xem xét về giáo trình, chương trình, giáo viên, phương pháp đào tạo, công cụ dạy nghề cho từng cơ sở, loại hình dạy nghề khác nhau để củng cố, nâng cấp chất lượng đào tạo, nhằm giảm tình trạng học viên học nghề rồi mà không nơi nào nhận.
Thêm nữa, cần phải cân đối giữa đào tạo với yêu cầu sử dụng, đặt hàng thế nào thì phải đào tạo thế ấy, đào tạo nhân lực để xuất khẩu lao động khác đào tạo nhân công cho các KCN, CN nặng khác CN nhẹ hay dệt may. Cần liên kết, xã hội hóa trong công tác đào tạo, nhất là liên kết quốc tế nhằm nâng cao chất lượng đào tạo ở nước ta. Các doanh nghiệp có thể liên kết xây dựng những cơ sở đào tạo trong một KCN.
Vấn đề thứ hai là hợp tác để đưa lao động ra làm việc ở nước ngoài theo chủ trương của Chính phủ. Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là chủ trương mang tính thời vụ ngắn hạn, nhưng nó nhằm góp phần giảm nghèo, tăng thu nhập cho người lao động, rèn luyện kỹ năng lao động để trở về làm việc theo hướng CNH, HĐH trong nước.
Hiện nay, công ty xuất khẩu lao động đang hoạt động khá nhiều và lộn xộn, Quốc hội yêu cầu ngành LĐTBXH rà soát, quản lý cho được việc xuất khẩu lao động chui, tìm cách giả mạo visa, gây mất hình ảnh của Việt Nam.
Đào tạo nhân lực cho xuất khẩu lao động phải bao gồm cả dạy nghề, ngôn ngữ, văn hóa, pháp luật của nước bạn, nếu làm không tốt thì không có chất lượng lao động xuất khẩu tốt được.
Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, cần phải mở rộng thị trường xuất khẩu lao động. Hiện nay có khoảng 500.000 lao động đang làm việc ở nước ngoài, thị trường còn rộng, nhu cầu còn lớn, nếu tổ chức tốt sẽ mở rộng được thị trường bằng cách đàm phán, ký kết trong các ngành nghề khác nhau.
Cần định hướng ưu tiên xuất khẩu lao động cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, huyện nghèo, xã nghèo. Và với người nghèo thì công tác đào tạo phải chuẩn bị chu đáo hơn, thời gian học lâu hơn, chi phí cho người học cao hơn.
Vấn đề thứ ba là các chế độ chính sách cho người có công. Theo Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng, đây là vấn đề lớn, đã được Quốc hội, Chính phủ ban hành nhiều quy định, luật, pháp lệnh. Vì thế, Chủ tịch yêu cầu phải thực hiện bằng được những chính sách đã có. Ông nêu thí dụ, Pháp lệnh người có công mặc dù đã được Quốc hội thông qua nhưng đến nay đã chậm mất 5-6 tháng mà chưa có hướng dẫn thực hiện.
Một vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm là giải quyết chính sách cho người có công, nhất là lực lượng TNXP bị mất hồ sơ gốc.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, Bộ sẽ phối hợp với các địa phương xem xét từng trường hợp cụ thể để những người không có giấy tờ gốc vẫn có cơ hội được hưởng chính sách.
Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cho rằng những người có công mà mất hồ sơ gốc có nghĩa là họ đã phải trải qua rất nhiều gian khổ, nếu yêu cầu hồ sơ gốc sẽ rất khó. Cần rà soát chính sách để xem đến nay còn đối tượng người có công nào chưa được hưởng chính sách không để đề xuất thêm. Phải giải quyết bằng được chính sách cho những đối tượng người có công mất hồ sơ gốc, đừng để họ ra đi mà không được hưởng chính sách.
Vấn đề thứ tư Quốc hội yêu cầu Bộ LĐTBXH thực hiện là giảm nghèo và phấn đấu rút ngắn khoảng cách chênh lệch giàu nghèo, thực hiện tốt chủ trương an sinh xã hội.
Tiếp sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng LĐTBXH Phạm Thị Hải Chuyền là phần trả lời của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình. Chiều nay, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến nội dung các nhóm vấn đề chất vấn.