Xây dựng một ngành Du lịch Việt Nam - điểm đến an toàn và thân thiện

14:22, 06/06/2013

Sáng 6/6, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành trong cả nước về cải thiện môi trường du lịch của Việt Nam. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Chỉ đạo Nhà nước về du lịch chủ trì Hội nghị. Điểm cầu Thái Nguyên có các ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch và các sở, ngành, địa phương có liên quan.

Phát biểu tại Hội nghị, lãnh đạo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, cũng như đại diện các tỉnh, thành đều cho rằng: thời gian gần đây lượng khách quốc tế du lịch đến Việt Nam giảm. 5 tháng đầu năm, số lượng khách quốc tế giảm 1,4% so với cùng kỳ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Ngoài nguyên nhân chính do khủng hoảng kinh tế thì tình trạng chèo kéo, đeo bám du khách, thậm chí là ép giá, ăn chặn tiền của du khách tại các điểm du lịch, dịch vụ taxi ở một số địa phương là tương đối phổ biến, làm xấu đi hình ảnh về du lịch của Việt Nam trong mắt du khách. Nguyên nhân chính được các đại biểu chỉ ra là sự buông lỏng công tác quản lý của một số địa phương đối với du lịch. Thiếu sự phối hợp giữa các sở, ngành liên quan trong việc quản lý các dịch vụ du lịch, cũng như đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Nhiều điểm du lịch, nhất là ở miền Bắc mang tính mùa vụ, người dân trong vùng tranh thủ tham gia làm dịch vụ, thiếu tính chuyên nghiệp khiến chất lượng các dịch vụ đã kém, thì một số cá nhân lại lợi dụng mùa vụ để tận thu, bất chấp những lợi ích chung của cộng đồng. Các chế tài xử phạt còn nhẹ, chưa đảm bảo tính răn đe.

 

Các đại biểu cũng đề xuất với Chính phủ, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nhiều giải pháp như: Xây dựng, hoàn thiện các khu, điểm du lịch, dịch vụ có quy mô quốc gia; chấn chỉnh môi trường du lịch tại các khu, điểm du lịch mất an toàn. Hình thành bộ phận chuyên trách đảm bảo an toàn cho du khách. Thành lập lực lượng cảnh sát du lịch…

 

 

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng công tác cải thiện môi trường du lịch Việt Nam là điều cấp bách hiện nay. Số lượng khách du lịch đến Việt Nam ngày càng giảm, kéo theo đó, mức độ tăng trưởng của ngành du lịch ngày càng sa sút. Các vấn đề còn tồn tại của du lịch Việt Nam chính là tình trạng chèo kéo, ép giá, gây mất an ninh… Những vấn đề này ngành Du lịch cần thay đổi chủ đề sao cho làm bật lên nội dung Việt Nam là điểm đến an toàn, thân thiện và văn minh, coi nụ cười của du khách là tương lai của du lịch Việt Nam. Người đứng đầu các địa phương phải chịu trách nhiệm về vấn đề phát triển du lịch đồng thời cần có sự phối hợp giữa các địa phương và các cơ quan liên quan để đề ra giải pháp khắc phục, quản lý hoạt động du lịch. Mục tiêu chính là xây dựng một ngành Du lịch Việt Nam - điểm đến an toàn và thân thiện.