Sơ kết 3 năm đào tạo nghề cho lao động nông thôn

14:08, 17/07/2013

Sáng 17/7, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành sơ kết 3 năm thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo TW chủ trì. Tại điểm cầu Thái Nguyên có đồng chí Ma Thị Nguyệt, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành, địa phương tham dự.

Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009. Mục tiêu của Đề án sẽ dạy nghề cho khoảng 10,6 triệu lao động nông thôn, trong đó hỗ trợ dạy nghề cho 6,54 triệu người theo chính sách của Đề án; đào tạo, bồi dưỡng 1,1 triệu lượt cán bộ, công chức cấp xã. Trong 3 năm qua, đã dạy nghề được cho 1.088.393 lao động nông thôn, đạt 77,74% kế hoạch, bằng 16,64% kế hoạch của 11 năm thực hiện Đề án, trong đó số người học nghề phi nông nghiệp chiếm tới 55,8%. Thông qua thực hiện Đề án, đã có 203.593 lượt cán bộ, công chức xã được đào tạo, bồi dưỡng, đạt 67,86% kế hoạch và bằng 18,5% kế hoạch của 11 năm thực hiện Đề án. Tổng kinh phí cho cho công tác đào tạo, bồi dưỡng lên đến trên 4.778 tỷ đồng. Hiệu quả công tác dạy nghề cao, với 78,9% số người được học có việc làm mới hoặc làm nghề cũ có năng suất, thu nhập cao hơn. Nhiều địa phương triển khai đồng bộ giải pháp quy hoạch sản xuất, thu hút doanh nghiệp đầu tư về nông thôn như Thái Nguyên, Thái Bình, Hải Phòng, Nam Định… Mục tiêu năm 2013 được đề ra là có khoảng 600.000 lao động nông thôn được hỗ trợ dạy nghề.

 

 

Phát biểu tại Hội nghị có nhiều ý kiến đã chỉ ra những nguyên nhân còn tồn tại trong quá trình thực hiện Đề án như: Một số địa phương triển khai Đề án còn chậm, thiếu đồng bộ. Một số nơi, dạy nghề còn chạy theo số lượng, chất lượng thấp, chưa phù hợp với điều kiện, nhu cầu của người học và người sử dụng lao động….

 

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: Hiệu quả của công tác đào tạo nghề trong 3 năm qua mang lại rất lớn, chuyển biến rõ nhất trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới. Về nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2013 và những năm tiếp theo, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đúc rút kinh nghiệm, những mô hình dạy nghề có hiệu quả để nhân rộng. Trong công tác dạy nghề phải gắn với doanh nghiệp để tổ chức việc làm, bao tiêu sản phẩm. Tiếp tục đa dạng hóa các hình thức dạy nghề phù hợp với nhu cầu của người học, nghề học, đặc điểm vùng miền…