Ngày 7/8, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh phía Bắc (từ Quảng Trị trở ra). Đồng chí Đỗ Quý Doãn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì Hội nghị.
Sau 5 năm thực hiện quy chế phát ngôn được ban hành tại Quyết định số 77/2007/QĐ-TTg đã bộc lộ những bất cập, hạn chế. Khi báo chí đề nghị được cung cấp thông tin thì đa số các đơn vị đều yêu cầu thông qua người phát ngôn. Trong khi đó, phần lớn người phát ngôn đều kiêm nhiệm, lại không có bộ máy giúp việc nên nhiều khi hiệu quả công tác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí chưa cao.
Xuất phát từ thực tiễn tác nghiệp của các nhà báo, mới đây, ngày 4/5, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 25/2013/QĐ/TTg ban hành quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, thay thế quy chế đang thực hiện, có hiệu lực từ ngày 1/7/2013. Quy chế mới đã rút ngắn thời gian cung cấp thông tin trong trường hợp xảy ra vụ việc cần ngay thông tin ban đầu của cơ quan hành chính Nhà nước còn một ngày, thay vì hai ngày như quy chế hiện hành. Quy chế mới cũng có thêm quy định làm rõ trách nhiệm của cơ quan báo chí và nhà báo khi đăng, phát, phải phản ánh trung thực nội dung phát ngôn, đồng thời phải ghi rõ họ, tên người phát ngôn…
Trong giai đoạn bùng nổ thông tin, mạng xã hội phát triển mạnh như hiện nay, việc duy trì và thực hiện tốt Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí sẽ tạo cơ hội cho báo chí, công chúng tiếp cận đầy đủ, kịp thời những nguồn thông tin chính thống, hữu ích, tin cậy, chính xác, nhất là đối với những sự kiện, vấn đề nóng, nhạy cảm, thiết thực giúp các nhà báo hoàn thành tốt trách nhiệm xã hội của mình.
Một số điểm mới, khác biệt so với quy chế phát ngôn trước đây: - Mỗi cơ quan hành chính nhà nước có ba người có trách nhiệm phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, bao gồm: Người đứng đầu cơ quan, người phát ngôn (NPN) thường xuyên và người được ủy quyền phát ngôn (khi NPN thường xuyên đi vắng hoặc được ủy quyền trong các trường hợp cần thiết). So với quy chế cũ chỉ quy định “NPN là người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước hoặc người được người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước giao nhiệm vụ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí”.
- Thời hạn bắt buộc cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí của các cơ quan nhà nước cũng đã được rút ngắn. Cụ thể, việc cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí đã được rút ngắn từ ba tháng xuống còn một tháng, thời hạn tối đa phải tổ chức họp báo để cung cấp thông tin cũng giảm từ sáu tháng xuống còn ba tháng. Còn thời gian mà NPN phải cung cấp thông tin ban đầu về các vấn đề đột xuất, quan trọng, gây tác động lớn trong xã hội thuộc phạm vi quản lý của cơ quan mình cho báo chí đã được rút ngắn từ hai ngày xuống còn một ngày kể từ khi vụ việc xảy ra.
- Quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chỉ đạo công tác phát ngôn của cơ quan hành chính thuộc quyền quản lý của mình cũng như trách nhiệm đối với các nội dung phát ngôn, kể cả phát ngôn của NPN thường xuyên và người được ủy quyền phát ngôn. Trong quy chế cũ không đề cập đến trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan trong công tác phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí. |