Chất vấn hai Bộ trưởng về các vấn đề đại biểu, cử tri quan tâm

16:02, 20/08/2013

Ngày 20-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với các Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) 63 tỉnh, thành phố để chất vấn hai Bộ trưởng: Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường về những nội dung liên quan đến xây dựng, thẩm tra, kiểm tra văn bản luật; công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường. Tham dự có đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Quốc hội (QH). Các Phó Chủ tịch QH; đại diện các Bộ ngành liên quan. Về phía tỉnh có đồng chí Trương Thị Huệ, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì tại điểm cầu Thái Nguyên; Lãnh đạo và đại diện các Ban HĐND tỉnh; các ngành liên quan.

Sáng nay, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, các đại biểu đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhiều vấn đề xoay quanh nội dung: Nêu rõ những mặt được, chưa được và trách nhiệm của Bộ trưởng trong công tác tham mưu xây dựng, triển khai thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Chính phủ; thẩm định các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ; kiểm tra việc ban hành văn bản của các Bộ, ngành từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đến ngày 31-7-2013. Trong đó, các đại  biểu đã chất vấn đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp trả lời cụ thể từng vấn đề đại biểu, cử tri quan tâm như: phổ biến tuyên truyền pháp luật, đưa luật vào cuộc sống còn hạn chế. Công tác ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật còn chậm, nợ đọng nhiều; chất lượng văn bản chưa cao; có nên quy định cụ thể về thời gian ban hành văn bản hướng dẫn luật. Có tình trạng tham nhũng trong xây dựng chính sách pháp luật không? Liệu việc xây dựng luật có lợi ích nhóm? Luật pháp ngày càng nhiều nhưng chưa đi vào cuộc sống? một số Bộ ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện luật không sát thực tế, gây bức xúc cho người dân? Nhiều văn bản còn trái với luật? vấn đề xử lý như thế nào?


Giải trình về nguyên nhân và giải pháp khắc phục nợ đọng văn bản, Bộ trưởng Bộ Tư pháp nêu: Bộ Tư pháp sẽ có sự phối hợp tích cực hơn nữa với Văn phòng Chính phủ trong việc xây dựng quy trình, thủ tục; quy chế phối hợp giữa hai cơ quan trong xây dựng pháp luật để hạn chế tình trạng ban hành văn bản chậm và nâng cao chất lượng văn bản theo Đề án đã xây dựng. 


Chiều cùng ngày, các đại biểu đã chất vấn trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang về vấn đề quản lý tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường, nhất là trong lĩnh vực đất đai, khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường. Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên chất vấn.


Các đại biểu cũng đã nêu nhiều câu hỏi đề nghị Bộ trưởng giải trình làm rõ và nêu giải pháp giải quyết từng nội dung như: Với tốc độ đô thị hóa, nông dân không có đất sản xuất sẽ tăng nhanh, liên quan đến nhiều người sẽ không có đất sản xuất, Bộ có giải pháp tham mưu như thế nào cho Chính phủ giải quyết đất đai cho người không có đất. Có phân biệt trong việc khuyến khích các tổ chức tham gia bảo vệ môi trường. Chính phủ ban hành nhiều chỉ thị về cấp quyền sử dụng đất (QSDĐ) cho người dân và quyết tâm hoàn thành trong năm 2013, song tình trạng cấp giấy chứng nhận QSDĐ còn chậm, nhất là cấp giấy cấp chứng nhận lần đầu ở 18 tỉnh còn nhiều; việc giao đất còn tồn đọng; khung giá đất còn bất cập. Việc giao đất nông, lâm trường chưa được giải quyết dứt điểm; tranh chấp đất lâm nông trường do cho thuê, cho mượn diễn ra phổ biến? trách nhiệm thuộc về ai; khắc phục thế nào? Cấp QSDĐ  chậm là do vướng mắc lớn nhất từ thu tiền sử dụng đất mà lỗi không thuộc về người dân, vậy, giải quyết vấn đề này thế nào? Tình trạng khai thác khoáng sản tràn lan không theo quy định đã gây thất thoát tài nguyên, ảnh hưởng đến môi trường, đời sống người dân, điều này có liên quan đến việc ban hành văn bản không? Bộ đã triển khai đến đâu việc công bố các khu vực khai thác khoáng sản có trữ lượng nhỏ. Vấn đề thất thoát tìa nguyên khoáng sản đang gây bức xúc trong cử tri, nhân dân;  việc giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân về đất đai chưa được giải quyết dứt điểm...


Về giải pháp khắc phục, Bộ trưởng đã nêu giải pháp đối với từng nội dung đại biểu yêu cầu, trong đó có nội dung được nhiều đại biểu chất vấn như: giải quyết tồn đọng đất lâm nông trường sẽ tập trung rà soát đánh giá điều chỉnh, sắp xếp lại đất nông, lâm trường; tiến hành thu hồi đất giao cho địa phương quản lý. Đối với việc đẩy nhanh tiến độ cấp QSDĐ: điều này còn phụ thuộc vào các địa phương, song Bộ sẽ hỗ trợ tháo gỡ khó khăn về cơ chế chính sách, quyết tâm cùng các địa phương đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành kế hoạch vào cuối năm nay. Đồng thời Bộ sẽ có chỉ đạo quyết liệt và xử lý nghiêm túc những tồn tại trong cấp QSDĐ….