Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã hết hạn hoạt động được đăng ký lại; tăng mức cho vay học sinh, sinh viên lên 1,1 triệu đồng/tháng; doanh nghiệp bị giám sát tài chính đặc biệt trong 4 trường hợp... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 8/2013.
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã hết hạn hoạt động được đăng ký lại
Theo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật Doanh nghiệp có hiệu lực từ 1/8/2013, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thành lập trước ngày 1/7/2006, trừ trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 170, có quyền thực hiện theo một trong hai cách:
Thứ nhất, đăng ký lại để tổ chức quản lý, hoạt động theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.
Cụ thể, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập trước ngày 1/7/2006, đã hết thời hạn hoạt động quy định tại Giấy phép đầu tư sau ngày 1/7/2006, chưa thực hiện thủ tục giải thể doanh nghiệp và có đề nghị được tiếp tục hoạt động phải đăng ký lại trước ngày 1/2/2014 theo các điều kiện do Chính phủ quy định. Trong trường hợp này, việc đăng ký lại có hiệu lực kể từ ngày hết hạn hoạt động ghi trên Giấy phép đầu tư.
Thứ hai, không đăng ký lại; trong trường hợp này, doanh nghiệp tổ chức quản lý, hoạt động theo Giấy phép đầu tư, Điều lệ doanh nghiệp. Đối với những nội dung không quy định tại Giấy phép đầu tư, Điều lệ doanh nghiệp, doanh nghiệp thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.
Tăng mức cho vay HSSV lên 1,1 triệu đồng/tháng
Theo Quyết định 1196/QĐ-TTg điều chỉnh mức cho vay quy định tại Khoản 1, Điều 5, Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với HSSV, mức cho vay tối đa là 1,1 triệu đồng/tháng/HSSV.
So với quy định cũ, mức cho vay tối đa đối với HSSV tăng thêm 100.000 đồng/tháng/HSSV.
Quyết định 1196/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/8/2013, áp dụng đối với các khoản vay mới kể từ khi Quyết định này có hiệu lực thi hành.
Doanh nghiệp bị giám sát tài chính đặc biệt trong 4 trường hợp
Theo Nghị định về Quy chế giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu và doanh nghiệp có vốn Nhà nước có hiệu lực từ 15/8/2013, có 4 trường hợp doanh nghiệp bị giám sát tài chính đặc biệt.
Cụ thể, doanh nghiệp được đặt vào tình trạng giám sát tài chính đặc biệt nếu tại thời điểm lập báo cáo tài chính năm hoặc qua công tác giám sát tài chính, kiểm toán phát hiện có tình hình tài chính, hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc một trong 4 trường hợp sau:
1- Kinh doanh thua lỗ, có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu vượt quá mức an toàn theo quy định.
2- Có số lỗ phát sinh từ 30% vốn chủ sở hữu trở lên hoặc số lỗ lũy kế lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu.
3- Có hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn nhỏ hơn 0,5.
4- Báo cáo không đúng thực tế về tài chính, làm sai lệch lớn kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Dùng sáng kiến của người khác để dự thi, phạt đến 40 triệu đồng
Theo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ, phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với cá nhân; phạt tiền từ 20-40 triệu đồng đối với tổ chức có một trong các hành vi: Sử dụng, công bố số liệu, quy trình công nghệ, thông tin liên quan đến kết quả hoạt động khoa học và công nghệ thuộc quyền sở hữu của cá nhân, tổ chức khác mà không được cá nhân, tổ chức đó cho phép; đăng ký, công bố công trình nghiên cứu khoa học của cá nhân, tổ chức khác mà không được phép của cá nhân, tổ chức đó; sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học, số liệu, thông tin của cá nhân, tổ chức khác trong báo cáo khoa học, tài liệu khoa học mà không chỉ rõ nguồn gốc, xuất xứ của kết quả nghiên cứu đó; sử dụng sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa quy trình công nghệ của cá nhân, tổ chức khác để đăng ký tham dự triển lãm, cuộc thi, giải thưởng về khoa học và công nghệ.
Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ buộc phải cải chính thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng đối với hành vi vi phạm.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/8/2013.
Đối thoại định kỳ tại nơi làm việc 3 tháng/lần
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết Khoản 3 Điều 63 của Bộ Luật Lao động về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc, trong đó quy định cụ thể 2 hình thức thực hiện dân chủ tại nơi làm việc là đối thoại tại nơi làm việc và hội nghị người lao động.
Trong đó, đối thoại định kỳ tại nơi làm việc do người sử dụng lao động chủ trì, phối hợp với tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở thực hiện 3 tháng một lần để trao đổi, thảo luận về các nội dung như: Tình hình sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động; việc thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy, quy chế và cam kết, thỏa thuận khác tại nơi làm việc; yêu cầu của người lao động, tập thể lao động đối với người sử dụng lao động cũng như yêu cầu của người sử dụng lao động với người lao động, tập thể lao động.
Khoảng cách giữa hai lần đối thoại định kỳ liền kề tối đa không quá 90 ngày.
Trường hợp thời gian tổ chức đối thoại định kỳ trùng với thời gian tổ chức hội nghị người lao động thì doanh nghiệp không phải tổ chức đối thoại định kỳ.
Mỗi bên tham gia đối thoại quyết định số lượng thành viên đại diện của mình tham gia đối thoại. Số lượng thành viên đại diện mỗi bên phải có ít nhất là 3 người.
Nghị định có hiệu lực từ 15/8/2013.
Bán lẻ thuốc lá phải đáp ứng 5 điều kiện
Theo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá có hiệu lực từ 15/8/2013, để được cấp giấy phép bán lẻ sản phẩm thuốc lá phải đáp ứng 5 điều kiện: 1- Thương nhân có đăng ký ngành nghề kinh doanh bán lẻ sản phẩm thuốc lá; 2- Có địa điểm kinh doanh cố định, địa chỉ rõ ràng, đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật, trang thiết bị theo quy định; 3- Diện tích điểm kinh doanh dành cho thuốc lá tối thiểu phải có từ 3 m2 trở lên; 4- Có văn bản giới thiệu, hợp đồng mua bán của các doanh nghiệp bán buôn sản phẩm thuốc lá; 5- Phù hợp với Quy hoạch hệ thống mạng lưới mua bán sản phẩm thuốc lá được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Nghị định nêu rõ, sản phẩm thuốc lá sản xuất để tiêu thụ trong nước phải dán tem trên bao gói theo quy định hiện hành của Nhà nước.
Sản phẩm thuốc lá sản xuất để xuất khẩu, chào hàng, triển lãm ở nước ngoài không phải dán tem theo quy định của Việt Nam.
3 đối tượng doanh nghiệp được ưu tiên về hải quan
Đây là quy định tại Thông tư số 86/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về việc áp dụng chế độ ưu tiên trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về hải quan đối với doanh nghiệp đủ điều kiện.
Theo đó, doanh nghiệp ưu tiên gồm ba loại: Doanh nghiệp được ưu tiên trong xuất khẩu, nhập khẩu tất cả các mặt hàng, loại hình xuất khẩu, nhập khẩu (loại 1); doanh nghiệp được ưu tiên trong xuất khẩu hàng hóa là nông sản, thủy sản, dệt may, da giày và nhập khẩu hàng hóa là nguyên phụ liệu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu (loại 2); doanh nghiệp được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận là doanh nghiệp công nghệ cao theo quy định của Luật Công nghệ cao được ưu tiên trong nhập khẩu hàng hóa phục vụ sản xuất, xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao (loại 3).
Thông tư 86/2013/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11/8/2013.
Từ 15/8: Áp dụng quy định mới về giao dịch điện tử trên TTCK
Theo Thông tư số 87/2013/TT-BTC hướng dẫn giao dịch điện tử trên thị trường chứng khoán, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8, dịch vụ giao dịch chứng khoán trực tuyến là dịch vụ do các công ty chứng khoán cung cấp cho nhà đầu tư để mở tài khoản, đặt lệnh, đưa ra yêu cầu đối với các giao dịch chứng khoán, hoặc nhận kết quả giao dịch thông qua mạng Internet hoặc điện thoại.
Công ty chứng khoán phải trực tiếp cung cấp dịch vụ giao dịch chứng khoán trực tuyến cho nhà đầu tư, không được ủy thác hoặc thuê các tổ chức không được phép khác thông qua hình thức thanh toán phí dịch vụ.
Bên cạnh đó, công ty chứng khoán phải ban hành quy trình thực hiện dịch vụ giao dịch trực tuyến phù hợp với Luật Giao dịch điện tử và phải ký một hợp đồng bằng văn bản với khách hàng quy định rõ trách nhiệm pháp lý của cả hai bên, bao gồm trách nhiệm bồi thường khi xảy ra rủi ro. Công ty chứng khoán cũng phải nêu rõ rủi ro liên quan đối với nhà đầu tư dưới hình thức một “Bản công bố rủi ro” đính kèm hợp đồng.
Công ty chứng khoán phải công bố những rủi ro có liên quan trên “Bản công bố rủi ro” trên trang thông tin điện tử chính thức của công ty và trên phần mềm ứng dụng của khách hàng. Những rủi ro được công bố bao gồm các rủi ro sau: Trong khi truyền tải qua mạng Internet, lệnh giao dịch có thể bị treo, bị ngừng, bị trì hoãn hoặc có lỗi dữ liệu; việc nhận dạng các tổ chức hoặc nhà đầu tư có thể không chính xác, lỗi về bảo mật có thể xảy ra; giá cả thị trường và các thông tin chứng khoán khác có thể có lỗi hoặc sai lệch...
Quy định mới về công nhận bằng cấp nước ngoài
Người đề nghị công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp phải nộp phí theo quy định của Bộ Tài chính.
Đây là điểm mới được bổ sung trong Thông tư 26/2013/TT-BGDĐT quy định về trình tự, thủ tục công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp.
Về thủ tục công nhận bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp, bằng tốt nghiệp cao đẳng, bằng tốt nghiệp đại học, bằng thạc sĩ và bằng tiến sĩ, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định sau khi nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo), cấp giấy biên nhận cho người nộp hồ sơ, nếu hồ sơ được gửi qua đường bưu điện thì căn cứ vào dấu bưu điện để xác định ngày nhận hồ sơ.
Trong thời gian không quá 30 ngày làm việc, trên cơ sở quy định về tuyển sinh, chương trình đào tạo, hệ thống văn bằng của nước cấp văn bằng, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục phối hợp với các đơn vị có liên quan xem xét xử lý hồ sơ để công nhận văn bằng phù hợp với một trong các loại văn bằng của Việt Nam.
Trường hợp văn bằng đề nghị công nhận không phù hợp với một trong các loại văn bằng của Việt Nam, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục trả lời bằng văn bản cho người đề nghị công nhận văn bằng, cung cấp thêm thông tin và công nhận giá trị thực tế của văn bằng trong hệ thống giáo dục của nước cấp bằng.
Trường hợp văn bằng không đủ điều kiện để được công nhận, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục trả lời bằng văn bản cho người đề nghị công nhận văn bằng nêu rõ lý do không công nhận.
Tăng thời gian thanh toán điện tử liên ngân hàng
Theo Thông tư 13/2013/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 23/2010/TT-NHNN quy định về quản lý, vận hành và sử dụng Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (TTLNH) vừa được Ngân hàng Nhà nước ban hành, từ 1/8/2013, thời điểm thực hiện kiểm tra kỹ thuật và khởi tạo dữ liệu đầu ngày của Hệ thống TTLNH là 8 giờ của ngày làm việc (hiện nay là 7 giờ 30 phút); thời điểm các đơn vị ngừng gửi Lệnh thanh toán giá trị thấp là 16 giờ và ngừng gửi Lệnh thanh toán giá trị cao là 17 giờ của ngày làm việc (quy định hiện nay lần lượt là 15 và 16 giờ).
Thông tư cũng quy định: Từ 16 giờ 10 phút trở đi, thực hiện quyết toán bù trừ các khoản giá trị thấp theo quy định; từ 17 giờ 15 phút trở đi, thực hiện các công việc cuối ngày, đối chiếu, xác nhận số liệu với Trung tâm Xử lý Quốc gia.
Các quy định mới được thực hiện kể từ ngày 30/8/2013.
Áp dụng tiêu chuẩn xây dựng cửa hàng xăng dầu mới
Từ 1/8/2013, các cửa hàng xăng dầu phải được xây dựng và thiết kế theo Quy chuẩn Quốc gia QCVN 01:2013/BCT quy định tại Thông tư 11/2013/TT-BCT.
Cụ thể, vị trí xây dựng cửa hàng xăng dầu phải phù hợp với quy hoạch, đảm bảo yêu cầu an toàn giao thông, an toàn phòng cháy, chữa cháy và vệ sinh môi trường. Kiến trúc cửa hàng xăng dầu phải phù hợp với yêu cầu kiến trúc đô thị.
Bên cạnh đó, đường và bãi đỗ xe dành cho xe ra vào mua hàng và nhập hàng phải đảm bảo: Chiều rộng 1 làn xe đi trong bãi đỗ xe không nhỏ hơn 3,5 m; đường 2 làn xe đi không nhỏ hơn 6,5 m; bãi đỗ xe để xuất, nhập xăng dầu không được phủ bằng vật liệu có nhựa đường.