Hội nghị trực tuyến về công tác an toàn các hồ chứa nước

16:22, 29/08/2013

Ngày 29-8, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã chủ trì Hội nghị trực tuyến với các Bộ, ngành liên quan và các tỉnh, thành trong cả nước nhằm đánh giá thực trạng, bàn giải pháp về công tác an toàn hồ chứa nước, phục vụ phát triển bền vững và cải thiện môi trường. Dự Hội nghị có lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan; lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham dự tại các điểm cầu.

Hội nghị đã nghe lãnh đạo các Bộ: Nông nghiệp và PTNT, Công Thương, Xây dựng,  Tài nguyên - Môi trường trình bày báo cáo tóm tắt công tác đầu tư xây dựng và quản lý chất lượng các hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện; tình hình thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa. Tính đến nay, cả nước đã đầu tư xây dựng trên 6.500 hồ chứa thủy lợi với tổng dung tích trữ khoảng 11 tỷ m3, trong đó có 560 hồ chứa lớn, điển hình như: Núi Cốc (Thái Nguyên), Kẻ Gỗ (Nghệ An), Yên Lập (Quảng Ninh), Sông Mực (Thanh Hóa), Phú Ninh (Quảng Nam), Dầu Giếng (Tây Ninh)... Các hồ chứa nước, công trình thủy lợi đã giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc ổn định sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, phục vụ du lịch và cung cấp nước sinh hoạt. Tuy nhiên, hiện có 317 hồ bị hư hỏng, trong đó có 120 hồ trọng điểm cần được quan tâm bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ 2013, chủ yếu tập trung vào nhóm hồ chứa nhỏ có dung tích trữ dưới 3 triệu m3… Đồng thời, cả nước đã có gần 1.000 dự án xây dựng nhà máy thủy điện đã được phê duyệt với tổng công suất lắp máy trên 24.000MW; đến hết tháng 6-2013, có 266 nhà máy thủy điện đã đi vào vận hành và trên 200 dự án khác đang được triển khai xây dựng. Đối với nhà máy thủy điện vừa và nhỏ, một số chủ đập chưa thực hiện đầy đủ quy định pháp luật về quản lý an toàn đập, cụ thể: Có 34 đập chưa thực hiện kiểm định, kiểm tra, có 98 đập chưa cắm mốc chỉ giới xác định phạm vi vùng phụ cận bảo vệ đập, có 73 đập chưa xây dựng phương án bảo vệ đập, có 62 đập chưa xây dựng phương án phòng, chống lụt, bão...

 

Thái Nguyên hiện có 1.215 công trình thủy lợi, trong đó 414 công trình hồ chứa nước hầu hết được đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng hơn 40 năm. UBND tỉnh đã giao cho Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên tổ chức quản lý, khai thác 74 công trình thủy lợi, trong đó có 36 hồ chứa lớn; các công trình hồ chứa còn lại được giao cho UBND các huyện quản lý. Hiện nay các hạng mục của công trình hầu như đã bị xuống cấp, hư hỏng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vào mùa mưa lũ. Với các hồ, đập do địa phương quản lý chủ yếu là các hồ, đập nhỏ, người quản lý không được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, công tác quản lý, vận hành còn nhiều bất cập, hồ chứa bị xuống cấp, kinh phí đầu tư sữa chữa nhỏ, nguy cơ mất an toàn cao. Mặc dù, tỉnh đã quan tâm đầu tư, sửa chữa, nâng cấp như: Hồ Núi Cốc, Gò Miếu, Suối Lạnh, Quán Chẽ, Trại Gạo, Phú Xuyên, Phượng Hoàng..., song do kinh phí còn hạn chế nên đã ưu tiên công trình, hạng mục chính, xung yếu nhất... 

 

Các đại biểu tham dự Hội nghị đã báo cáo kết quả thực hiện của địa phương, phân tích thực trạng và đề xuất, kiến nghị một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động và an toàn của hồ, đập chứa nước trong thời gian tới.

 

Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải cho rằng, tác động mặt trái của hồ thủy lợi, thủy điện sẽ ảnh hưởng nhiều đến đời sống nhân dân nếu không có biện pháp quản lý chặt chẽ. Bởi vậy, các Bộ, ngành chức năng, các địa phương hết sức lưu ý đến vấn đề an toàn hồ chứa và công tác bảo vệ an toàn hồ chứa. Đồng chí yêu cầu các Bộ tham mưu hoàn chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về an toàn hồ chứa nước, trong đó quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan (cấp tỉnh, huyện, xã), rà soát, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn của các hồ chứa; quản lý chặt chẽ công tác tư vấn quy hoạch, thiết kế, thi công, giám sát nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của hồ chứa; tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý xử lý các chủ đầu tư, các chủ hồ chưa thực hiện đầy đủ quy định pháp luật về quản lý an toàn hồ, đập; cân đối, phân cấp ngân sách, hỗ trợ cho các hồ chứa tại điểm xung yếu, khó khăn…