Một số loài đặc hữu của khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông đang bên bờ tuyệt chủng

14:20, 13/09/2013

Ngày 12/9, Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (WWF) cho biết, một số loài hoang dã thuộc bộ móng guốc, bao gồm cả một số loài đặc hữu của khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông đang bên bờ tuyệt chủng. 

Theo báo cáo của WWF, hai loài đặc hữu của khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng là bò xám và nai Schomburgk (Rucervus schomburgki) đã tuyệt chủng trên toàn cầu đầu thế kỷ 20. Trong đó nai chó Đông Dương (Axis porcinus) và sao la đang có nguy cơ biến mất vĩnh viễn. Rất nhiều loài khác cũng có số phận tương tự tại các quốc gia mà chúng từng sinh sống, trong đó có nai Cà Toong (Panolia eldii) và bò rừng.

 

Bên cạnh đó, loài mang lá (Muntiacus putaoensis) cũng được coi là những loài đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Việc săn bắn bất hợp pháp và buôn bán quốc tế sừng là một nhân tố chính khiến loài này bị suy giảm.

 

Tiến sĩ Thomas Gray, cán bộ Quản lý Chương trình Bảo tồn Loài của WWF-Greater Mekong cho biết. “Mặc dù những áp lực do con người tạo ra, như săn bắn và phá huỷ sinh cảnh, đang xoá sổ nhanh chóng quần thể những loài kỳ diệu này, nhưng vẫn còn kịp cứu chúng nếu các chính phủ cân nhắc kỹ vấn đề đa dạng sinh học và bảo tồn đa dạng sinh học khi đưa ra các quyết định".

 

Tiến sỹ Gray cũng cho biết, tại Việt Nam, một phương pháp thực thi pháp luật mới, do dự án Các-bon và Đa dạng Sinh học hỗ trợ, đang có những kết quả tốt. Những cán bộ tuần tra rừng người địa phương đã tháo gỡ hơn 14.000 bẫy thú hàng năm trong các chuyến tuần tra trong các khu bảo tồn.

 

Việc phục hồi quần thể các loài này đóng một vai trò quan trọng trong quản lý bền vững của khu vực. “Các nhà lãnh đạo khu vực đã khẳng định rằng sự phát triển khoẻ mạnh của nền kinh tế cần đi đôi với sự khoẻ mạnh và năng suất của tự nhiên và động vật hoang dã. Nhưng cần phải có những biện pháp nhanh chóng và hiệu quả”, Tiến sỹ Gray nói.

 

Theo WWF, để bảo vệ loài đặc hữu của khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông đang bên bờ tuyệt chủng, hiện tổ chức này đang hợp tác cùng với các chính phủ và đối tác để phục hồi quần thể và đưa các loài móng guốc trở lại rừng, nơi một thời chúng đã sinh sống và nối liền các khu rừng bị phân mảnh để đảm bảo quần thể loài có thể gia tăng. Ngoài ra, WWF cũng hỗ trợ tăng cường quản lý và thực thi pháp luật của các khu bảo tồn, thúc đẩy lâm nghiệp bền vững, sử dụng rừng vào những mục đích khác và sinh kế bền vững để xoá bỏ các áp lực đối với các quần thể loài móng guốc đặc biệt còn lại của khu vực./.