Ngày 1/11, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức họp báo thông tin về kế hoạch tổ chức “Ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” vào 9/11 hằng năm.
Theo ông Trần Tiến Dũng, Chánh Văn phòng, người phát ngôn của Bộ Tư pháp, chủ đề của Ngày Pháp luật năm 2013 được xác định là “Toàn dân xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp vì mục tiêu Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” nhằm thể hiện đầy đủ tinh thần “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” trong Hiến pháp.
Thời gian tổ chức Ngày Pháp luật được thực hiện trong tuần từ ngày 4/11 đến 10/11/2013. Lễ công bố “Ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” sẽ được tổ chức vào sáng 9/11 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia và được Đài Truyền hình Việt Nam tường thuật trực tiếp.
Năm 2013 là năm đầu tiên công bố Ngày Pháp luật đầu tiên của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cũng là năm đánh dấu sự kiện đặc biệt quan trọng trong đời sống chính trị - pháp lý của đất nước, đó là Quốc hội sẽ thông qua Hiến pháp (sửa đổi) của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế.
Ngày Pháp luật Việt Nam được tổ chức nhằm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật; xây dựng niềm tin, tình cảm, thái độ ứng xử phù hợp với quy định của Hiến pháp, pháp luật; đề cao giá trị con người, xây dựng nhân cách tạo nên sự bền vững của ý thức pháp luật, của kỷ cương phép nước; nâng cao hiệu quả xây dựng, phổ biến, giáo dục pháp luật, thi hành pháp luật; hướng tới xây dựng nền văn hóa pháp lý.
Cũng theo ông Trần Tiến Dũng, Ngày Pháp luật được thực hiện dưới các hình thức: xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, phóng sự, phim tài liệu, tin bài và các hình thức phù hợp trên các phương tiện thông tin đại chúng; lồng ghép nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật với các hoạt động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; thực hiện các hoạt động tuyên truyền cổ động trực quan về Ngày Pháp luật...
Bộ Tư pháp đề nghị các Bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tùy theo điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, lựa chọn hình thức phù hợp với đặc thù của mình. Mọi hoạt động phải bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí.