Điều chỉnh việc xây dựng đường Hồ Chí Minh

17:31, 30/11/2013

Chiều 29-11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 38/2004/QH11 với 93,98% số phiếu tán thành.

Nghị quyết nêu rõ, Quốc hội ghi nhận nỗ lực của Chính phủ, các địa phương và nhân dân nơi có tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 38/2004/QH11 về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh. Công trình đường Hồ Chí Minh đã từng bước phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của cả nước; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh; góp phần xóa đói, giảm nghèo, nhất là ở các khu vực, địa phương có tuyến đường đi qua. Những kết quả đạt được đã khẳng định chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh là đúng đắn.

 

 

Bên cạnh những kết quả đạt được, Quốc hội nhận thấy việc thực hiện công trình chưa bảo đảm tiến độ; chất lượng xây dựng, hạ tầng kỹ thuật của một số đoạn, tuyến chưa bảo đảm tiêu chuẩn và yêu cầu thoát lũ; lưu lượng phương tiện ở một số khu vực còn thấp; công tác di dân, tái định cư tại một số địa phương chưa đạt yêu cầu; chậm triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội dọc tuyến làm hạn chế hiệu quả tổng hợp của dự án.

 

Vì vậy, Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố có liên quan phối hợp thực hiện tốt các yêu cầu nêu trong NQ số 38/2004/QH11, phù hợp với những nội dung đã được điều chỉnh trong nghị quyết.

 

Theo NQ được QH thông qua, tổng chiều dài toàn tuyến đường Hồ Chí Minh là 3.183 km, trong đó tuyến chính dài 2.499km, nhánh phía tây dài 684km. Mặt cắt ngang đường được quy hoạch theo từng đoạn với quy mô từ 2 đến 6 làn xe. Về phân kỳ đầu tư của tuyến đường, đến năm 2020 sẽ hoàn thành các dự án thành phần để nối thông toàn tuyến từ Pắc Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau), với quy mô 2 làn xe. Sau năm 2020, sẽ nâng cấp các đoạn tuyến theo tiêu chuẩn đường cao tốc phù hợp với quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam.

 

Nguồn vốn đầu tư để thông tuyến vào năm 2020 bao gồm: Vốn trái phiếu chính phủ tập trung cho các dự án thành phần cấp thiết do QH quyết định; vốn ODA và các hình thức đầu tư khác (BT, BOT, PPP) được sử dụng để hoàn thành các dự án thành phần còn lại. Cơ cấu nguồn vốn và dự toán từng dự án thành phần do Chính phủ thẩm định, phê duyệt và báo cáo Ủy ban TVQH theo kế hoạch hằng năm.