Tối 18/11, Lễ khai mạc Tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc- Di sản Văn hóa Việt Nam” đã diễn ra tại Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Hà Nội).
Hoạt động này được tổ chức nhằm tăng cường giao lưu, góp phần xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nhân Kỷ niệm 83 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam và chào mừng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Nguyễn Thiện Nhân và đại diện nhiều bộ, ban, ngành đã đến dự.
Phát biểu tại Lễ Khai mạc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định: Đại đoàn kết dân tộc là truyền thống và di sản văn hóa quý báu của dân tộc ta, được hun đúc qua lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Đại đoàn kết các dân tộc, tập hợp mọi tầng lớp nhân dân dưới ngọn cờ đại nghĩa đã tạo nên sức mạnh vô địch để dân tộc ta chiến đấu và chiến thắng, vượt qua mọi thách thức của lịch sử.
Nhắc lại lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”- Chủ tịch nước nhấn mạnh: Từ khi thành lập, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn coi trọng việc xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tập hợp, đoàn kết rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, không phân biệt giai cấp, dân tộc, tôn giáo, tạo nên sức mạnh vô địch đưa sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Ngày nay, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc vẫn là nguồn lực quan trọng nhất, mạnh mẽ nhất để Đảng ta, nhân dân ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đại đoàn kết dân tộc là di sản văn hóa quý giá của dân tộc ta; chúng ta hôm nay không chỉ tiếp nối, giữ gìn, bồi đắp mà còn có nghĩa vụ trao truyền cho các thế hệ tiếp theo vì sự trường tồn, tương lai tươi sáng của đất nước và dân tộc Việt Nam- Chủ tịch nước khẳng định. Nhiệm vụ chiến lược của đất nước là xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giầu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng để tập hợp đoàn kết mọi người vào mặt trận chung. Để xây dựng và củng cố đại đoàn kết toàn dân tộc phải giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội; chăm lo phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc để các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, thương yêu, tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ.
Sau bài phát biểu khai mạc của Chủ tịch nước, chương trình nghệ thuật mang chủ đề đại đoàn kết các dân tộc do hơn 300 nghệ sĩ, nghệ nhân đến từ mọi miền Tổ quốc trình diễn, thể hiện niềm tin thiêng liêng của mỗi người dân Việt Nam trong Hồn Việt, là ngọn lửa của ý chí và sức mạnh dân tộc trong khí phách Việt Nam. Đặc biệt, chương trình mang đến nhiều cảm xúc về truyền thống tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách của người Việt thông qua những giai điệu, hình ảnh cả dân tộc cùng hướng về miền đất khúc ruột, nơi mỗi năm lại phải oằn mình gánh chịu sự tàn phá ác nghiệt của thiên tai, bão lũ.
Tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” sẽ kéo dài đến hết ngày 23/11 với nhiều hoạt động đặc sắc, tái hiện các nghi lễ, lễ hội của cộng đồng các dân tộc như: Hội đua bò Bảy Núi; Lễ hội Ok Om Bok; Không gian văn hóa chợ nổi Nam Bộ, chợ vùng cao phía Bắc; Lễ hội Căm Mường dân tộc Lự; Lễ hội Arieuping của dân tộc Tà Ôi; Nghi lễ Tết Xíp Xí của dân tộc Thái… Đây là lần đầu tiên, nhiều lễ hội độc đáo của vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ được tái hiện tại Hà Nội nhằm giới thiệu, quảng bá, tôn vinh các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của các dân tộc Việt Nam