Tổng thống Liên bang Nga V.Putin thăm Việt Nam: Đẩy mạnh hợp tác chiến lược toàn diện

10:23, 13/11/2013

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, sáng 12-11, Tổng thống (TT) Vladimir Putin cùng đoàn đại biểu cấp cao Nhà nước Liên bang Nga đã đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước tại Việt Nam. TT Putin đã gặp và hội đàm với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, hội kiến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đặt vòng hoa tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đài Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ và dự lễ khai mạc Những Ngày văn hóa Nga tại Việt Nam.

Hợp tác kinh tế: Cần đột phá


Tại buổi hội đàm giữa nhà lãnh đạo 2 nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định Việt Nam đánh giá cao học thuyết đối ngoại của TT Putin được thông qua hồi tháng 2-2013, trong đó tiếp tục khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng của Nga ở khu vực. Chia sẻ quan điểm tại cuộc họp báo diễn ra sau hội đàm, TT Putin nhấn mạnh Việt Nam là quốc gia đang phát triển năng động nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương và là đối tác tin cậy lâu năm của Nga trong khu vực.

 

Tại hội đàm, hai bên đặc biệt chú trọng đến hợp tác phát triển về kinh tế - thương mại. Năm 2012, khối lượng trao đổi hàng hóa giữa 2 nước đạt 3,6 tỉ USD, dự kiến năm 2013 sẽ đạt 4 tỉ USD. Con số này tuy ấn tượng nhưng vẫn chưa xứng tầm so với tiềm năng hợp tác phát triển kinh tế - thương mại giữa 2 nước. Do đó, lãnh đạo 2 nước nhất trí cần có các giải pháp mang tính đột phá để thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư, trong đó dành ưu tiên nguồn lực cao nhất nhằm sớm ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan (Nga, Kazakhstan, Belarus). Đồng thời xây dựng khu vực mậu dịch tự do giữa các nước thành viên liên minh thuế quan với Việt Nam để tăng cường trao đổi hàng hóa.

 

Theo TT Nga, hướng hợp tác mới giữa 2 nước là phát triển lọc dầu và chế biến dầu khí. Bằng chứng là Công ty Liên doanh Vietsovpetro đã khai thác được 206 triệu tấn dầu tại thềm lục địa Việt Nam. Ngoài ra, một thỏa thuận hợp tác đã được ký kết giữa Công ty Gazprom và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam nhằm nâng cấp và mở rộng công suất của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Bên cạnh đó, Nga cũng sẽ cung cấp cho Việt Nam khí hóa lỏng.

 

Tiếp tục hợp tác nhiều lĩnh vực

Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng và kỹ thuật quân sự với độ tin cậy cao, phù hợp với các quy định và nguyên tắc của luật pháp quốc tế, góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định và phát triển bền vững tại châu Á - Thái Bình Dương.

 

TT Putin cho biết đã cùng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thảo luận chi tiết về lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự. “Nga chủ trương đẩy mạnh việc cung cấp cho Việt Nam các sản phẩm quân sự. Bằng chứng là Bộ Quốc phòng 2 nước đã ký kết hiệp định liên chính phủ mới, ghi rõ việc tiếp tục hợp tác trong giáo dục và đào tạo sĩ quan cho Quân đội Nhân dân Việt Nam tại các trường ĐH của Nga ”- TT Putin nói.

 

Ngoài lĩnh vực quốc phòng, hai bên cam kết tiếp tục hợp tác trong các lĩnh vực khai thác khoáng sản, giao thông (bao gồm cả hàng không dân dụng, đóng tàu, chế tạo máy, thông tin liên lạc và viễn thông), đặc biệt là giáo dục và đào tạo. Hiện có 5.000 sinh viên Việt Nam theo học tại các trường ĐH của Nga và sẽ còn tăng hơn nữa sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo 2 nước ký hiệp định chuyên ngành, cùng với việc triển khai dự án thành lập Trường ĐH Công nghệ Việt - Nga tại Hà Nội...

 

TT Nga Putin và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ghi nhận những đóng góp đáng kể của công dân Việt Nam và Liên bang Nga trong việc giữ gìn và phát huy quan hệ hữu nghị truyền thống, tương trợ và hợp tác toàn diện; nhất trí tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam và Nga sinh sống, làm việc, học tập trên lãnh thổ của nhau, phù hợp với luật pháp 2 nước, trên tinh thần hữu nghị và đối tác chiến lược toàn diện.

 

Tối cùng ngày, TT Nga Putin đã rời Hà Nội lên đường sang Hàn Quốc, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Việt Nam.

 

Theo Tổng thống Putin, cuộc hội đàm của ông với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mang tính xây dựng, thực chất, tiêu biểu đối với mối quan hệ Việt- Nga. Hai nước đang tiến hành đối thoại chính trị ở mức cao và đã thảo luận rất cụ thể các phương hướng phát triển mối quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện này.