Mang hơi ấm từ đất liền ra đảo

17:14, 24/12/2013

TN - Chuẩn bị cho Tết Nguyên đán, các chuyến tàu của Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải quân lại nối đuôi nhau chuyển thực phẩm, quà và đưa các đoàn khách ra chúc Tết cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Hải trình ra Trường Sa năm nay được chia làm 3 tuyến: Phía Bắc, tuyến giữa và phía Nam, mang theo hơn 85 tấn hàng hóa, nhu yếu phẩm và cả những lá thư mang hơi ấm của đất liền đến với quần đảo tiền tiêu.

Chúng tôi có mặt tại Nhà khách Bộ tư lệnh Vùng 4 Hải quân từ ngày 18-12 nhưng tận đến ngày 21 mới có thể lên đường. 14 giờ ngày 21-12, Đoàn công tác tổ chức họp mặt tại Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân. Đoàn lần này mang theo thực phẩm, quà Tết cùng số lượng phóng viên kỷ lục 79 người. Đoàn được bố trí trên 3 tàu: HQ996 đi các đảo phía Bắc; HQ936 đi các đảo ở giữa và HQ571 đi các đảo phía Nam. Tôi có tên trong danh sách của tàu HQ571.

 

Tàu HQ571 chở chúng tôi được hạ thủy tháng 3-2012, là một trong những con tàu mới và hiện đại bậc nhất của Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân. Tàu được chia thành 4 tầng, các phóng viên được bố trí tại khu C ở tầng 2. Trước khi đi, tôi được mọi người cảnh báo về nguy cơ say sóng bởi biển động, sóng ở cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, một lý do khác là tàu HQ571 cao hơn nhiều so với những tàu cũ nên khả năng bị rung lắc cũng lớn hơn nhiều.

 

Chiến sĩ Lữ đoàn146 chuyển hàng và quà cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo ngầm Đá Lát

 

Đi được khoảng 2 tiếng thì lời cảnh báo trở thành hiện thực. Sóng biển đập vào mạn tàu cao  6 dến 7m, con tàu chở hơn 200 người lắc lư, có lúc nghiêng đến 45 độ nhưng vẫn lầm lũi đạp sóng thẳng tiến. Ở trong phòng, mọi vật dụng đều xô nghiêng ngả. Đại tá Nguyễn Văn Thư, Phó Chính ủy Lữ đoàn 146 cho biết: “Xuất quân đợt này đúng vào dịp biển động, nhưng để đảm bảo chế độ Tết cho cán bộ, chiến sĩ nên chúng tôi quyết định ra khơi cho kịp chuyến.

 

Dù say sóng, mệt mỏi nhưng tất cả mọi người đều có chung tâm trạng nóng lòng, nhất là những sĩ quan trẻ lần đầu tiên ra quần đảo Trường Sa làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Trần Văn Tuấn, năm nay tròn 20 tuổi, quê ở huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận tình nguyện xin ra Trường Sa làm nhiệm vụ lần này tâm sự: “Em là con một trong gia đình, bố công tác trong ngành Công an, mẹ làm giáo viên. Bố em có định hướng cho em theo nghiệp của bố, nhưng em muốn xung phong ra đảo, đối diện với sóng gió để rèn luyện bản thân. Hôm lên đường, mẹ và bạn gái em khóc dấm dứt nhưng vẫn ủng hộ và động viên con đường em đã chọn, em mong chuyến tàu sẽ đi thật nhanh để được đặt chân lên đảo.

 

Nhỏ tuối hơn Tuấn,Vũ Tư Ý, quê ở huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa vừa bước qua tuổi 18. Ý là con cả trong gia đình, bố mẹ làm nông nghiệp, 2 em còn nhỏ, kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn. Ý bảo: Đối với người dân Khánh Hòa nói riêng và cả nước nói chung, được trực tiếp cầm súng để bảo vệ Trường Sa là một niềm vinh dự, tự hào. Em sẽ cố gắng làm thật tốt nhiệm vụ, rồi sau đó sẽ xin được phục vụ lâu dài trên đảo.

 

Trong đoàn khách ra đảo lần này, Tiến sĩ Lê Xuân Huy, giảng viên Trường Chính trị tỉnh Hải Dương là một trong số ít người không phải là phóng viên. Chuyên giảng dạy các môn Triết học, Tư tưởng Hồ Chí Minh và nội dung về chiến lược bảo vệ biển đảo, anh Huy bảo: Được đi những chuyến thế này mới thấy đất nước mình thật rộng và đẹp. Đây là sẽ là chuyến trải nghiệm tốt để sau này tôi có những dẫn chứng thực tế và sinh động cho bài giảng. Trong hành trang lần này, tôi có mang theo vài hộp bánh đậu xanh đặc sản của Hải Dương để làm quà, gọi là chia sẻ một chút hơi ấm của đất liền với cán bộ, chiến sĩ trên đảo.

 

Sau 3 ngày lênh đênh trên biển, chiều 24-12, đảo Trường Sa lớn - trung tâm hành chính của huyện đảo Trường Sa hiện ra trong mây mù (chậm hơn 1 ngày so với dự kiến). Mọi người ai cũng vui mừng và muốn được đặt chân lên đảo ngay để thăm cán bộ, chiến sĩ. Tuy nhiên do trời mưa quá lớn, biển động mạnh nên cả đoàn không thể lên đảo. Trước đó, đoàn cũng không thể lên được đảo chìm Đá Lát do sóng lớn. Tất cả đều có chung tâm trạng bồn chồn, tiếc nuối.