Bảo vệ chủ quyền nơi đầu sóng

08:44, 27/01/2014

Khu vực DK1 là vùng biển nằm trong thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc có tiềm năng tài nguyên phong phú, đặc biệt là dầu mỏ, khí đốt. Khu vực này nằm ở vị trí có nhiều tuyến đường biển quan trọng của khu vực cũng như của thế giới, giữ một vai trò lớn trong vận chuyển, lưu thông hàng hoá thương mại. Ngoài ra, khu vực DK1 cũng là một không gian đặc biệt quan trọng đối với quốc phòng - an ninh của đất nước trong chiến lược phòng thủ từ hướng biển để hình thành tuyến phòng thủ nhiều tầng, nhiều lớp, với thế bố trí chiến lược trên bờ, dưới nước. Trong chuyến công tác thăm và chúc Tết các Nhà giàn DK1 của Vùng 2 Hải quân, phóng viên Báo Thái Nguyên tìm hiểu về nhiệm vụ trên biển của các nhà giàn

Ngày 5-7-1989, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 180UT về việc xây dựng Cụm dịch vụ kinh tế, khoa học - kỹ thuật, thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, xác định lại chủ quyền Việt Nam đối với khu vực thềm lục địa này.

 

Khu vực Nhà giàn DK1 gồm 6 cụm: Phúc Nguyên, Phúc Tần, Huyền Trân, Quế Đường, Tư Chính và Ba Kè với 15 nhà giàn dựng trên thềm lục địa có nhiệm vụ đặt đèn biển để làm tiêu cho các tàu thuyền đánh cá; đặt trạm khí tượng thuỷ văn để thường xuyên nghiên cứu thu thập số liệu dự báo thời tiết; đặt trạm nghiên cứu khoa học về biển, nghiên cứu hải sản; cùng với các lực lượng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền; huấn luyện chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu…

 

Cột mốc chủ quyền thềm lục địa phía Nam

 

 

Bất chấp thời tiết khắc nghiệt, Nhà giàn DK1 vẫn tồn tại hiên ngang trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc gần 25 năm qua. Tại đây, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn DK1, Vùng 2 Hải quân vẫn ngày đêm bám trụ, bảo vệ vững chắc Nhà giàn DK1, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Nhiều người trong số họ đã anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ bảo vệ Nhà giàn DK1 - cột mốc đặc biệt trên biển.

 

Cột mốc chủ quyền đặc biệt

 

“Cụm dịch vụ kinh tế, khoa học - kỹ thuật” được gọi ngắn gọn với cái tên Nhà giàn DK1 trực thuộc Vùng 2 Hải quân được thành lập ngày 5-7-1989 trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Nhiệm vụ chính của các Nhà giàn DK1 là làm chỗ dựa cho ngư dân ra đánh bắt hải sản, thu thập số liệu thủy văn, sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ chủ quyền vùng biển thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc… Nằm cách đất liền khoảng 300 hải lý, các Nhà giàn DK1 được xem là cột mốc chủ quyền Quốc gia đặc biệt trên biển và được xây dựng dựa trên tiêu chí Luật Biển quốc tế nhằm khẳng định chủ quyền thềm lục địa của Việt Nam.

 

Những Nhà giàn DK1 ban đầu được xây dựng trên các pông-tông (phao lớn) đã đánh chìm phía trên các bãi san hô. Với thiết kế này, Nhà giàn DK1 dễ bị dịch chuyển khi có sóng lớn hoặc dòng chảy mạnh và dễ đổ sập khi có bão lớn xảy ra. Trong gần 25 năm tồn tại, một số nhà giàn DK1 đã bị đổ do bão như: Nhà giàn DK1/3 thuộc cụm Phúc Tần bị cơn bão lớn với gió giật cấp 12 làm đổ năm 1990; Nhà giàn DK1/4 thuộc cụm Ba Kè bị bão làm đổ năm 1990; Nhà giàn DK1/4 thuộc cụm Phúc Nguyên bị cơn bão có sức gió giật trên cấp 12 làm đổ 1998.

 

Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Nguyễn Xuân Mạnh, Phó Chỉ huy trưởng Tiểu đoàn DK1, Vùng 2 Hải quân cho biết: Quá trình bảo vệ nhà giàn trước thiên tai đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng anh dũng hy sinh khi bảo vệ Nhà giàn trước bão tố như liệt sĩ Thượng úy Nguyễn Hữu Quảng, Phó Chỉ huy trưởng Chính trị nhà giàn DK1/3 đã nhường chiếc phao cứu sinh cá nhân cho đồng đội và anh dũng hy sinh khi Nhà giàn bị đổ; liệt sĩ Đại úy Vũ Quang Chương, Chỉ huy huy trưởng Nhà giàn DK1/6 đã anh dũng hy sinh sau khi chỉ huy bộ đội rời Nhà giàn, xuống tàu về đất liền an toàn…

 

Khắc phục những hạn chế của Nhà giàn thế hệ đầu tiên, các Nhà giàn DK1 hiện nay được kết cấu bằng thép có sức bền lâu dài và chịu được khắc nghiệt của thời tiết như gió to, bão lớn cấp 10 cấp 11. Nhà chia thành nhiều tầng, nhiều khối để sinh hoạt học tập, nghiên cứu khoa học với diện tích sử dụng hàng trăm m2/tầng. Trên vùng biển thềm lục địa phí Nam thuộc tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu có 15 nhà giàn tạo thành một vành đai thép trên biển. Các nhà giàn hiện nay đều được trang bị hệ thống quang điện hoặc điện gió để cung cấp điện cho các hoạt động trên nhà giàn. Ngoài ra, hầu hết các Nhà giàn DK1 đều được lắp đặt các trạm phát sóng điện thoại di động, Internet cùng các trạm tiếp sóng vệ tinh, giúp việc liên lạc thông tin với đất liền và các lực lượng, ngư dân trên biển được thông suốt.

 

Vững vàng giữa biển khơi

 

Chốt giữ trên Các Nhà giàn DK1 là cán bộ, chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn DK1 Vùng 2 Hải Quân - những người lính hải quân vượt lên trên những trở ngại về thời gian, không gian và điều kiện sống thiếu thốn đủ bề dành tình yêu cho biển, nhà giàn luôn vững chắc tay súng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trung úy Nguyễn Ngọc Quỳnh, Quyền Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/7 có dáng người vạm vỡ, nước da ngăm đen đặc trưng của hải quân nhà giàn dành cho chúng tôi cái bắt tay thật chặt, thật lâu khi đoàn đến thăm, chúc Tết các anh nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ. Sĩ quan quê Nghệ An cho biết: Bên cạnh những điều kiện thuận lợi được đầu tư về cơ sở hạ tầng, cán bộ, chiến sĩ sống và làm việc trên các Nhà giàn DK1 vẫn còn gặp không ít khó khăn bởi điều kiện làm việc nơi đây luôn đối mặt với sóng to, gió lớn, có nguy cơ làm sập đổ nhà giàn; nỗi nhớ đất liền khi làm việc trong suốt thời gian công tác ít nhất từ 6 tháng cho đến 1 năm hoặc có thể lâu hơn do yêu cầu công việc. Mặc dù vậy, cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1 vẫn luôn nỗ lực khắc phục khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

 

Đến thăm các Nhà giàn DK1 trong chuyến đi này, chúng tôi không chỉ khâm phục các cán bộ, chiến sĩ ở đây về tinh thần, ý chỉ bảo vệ chủ quyền mà còn khâm phục các anh tinh thần tự lực trong tăng gia sản xuất. Trực tiếp được đón những đợt gió táp thổi mạnh như muốn cuốn phăng cả thùng trồng rau xuống biển chúng tôi mới thấy hết được ý nghĩa của những thùng rau xanh đang lên mơn mởn bên hông nhà giàn. Để có được rau xanh cải thiện bữa ăn, các anh phải dùng các thùng nhựa đựng chất mùn mang ra từ đất liền, che chắn gió biển cẩn thận rồi trồng rau vào đó.

 

Bám trụ Nhà giàn giữa biển khơi, cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn trồng rau xanh cải thiện bữa ăn. Trong ảnh, chiến sĩ Phan Văn Định, Nhà giàn DK1/21 hái rau sanh chuẩn bị bữa ăn trên Nhà giàn.

Ngoài giờ làm nhiệm vụ, toàn bộ các cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn lại cùng nhau chăm sóc những thùng rau xanh, cải thiện bữa ăn. Mặc dù cố gắng rất nhiều nhưng lượng rau xanh trồng trong các Nhà giàn cũng chỉ đủ cho các anh cải thiện bữa ăn chứ không đủ rau ăn thường xuyên.  Không chỉ khó khăn do thiếu rau xanh, cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1 còn phải thường xuyên đối mặt với tình trạng thiếu nước ngọt vào mùa khô. Với mỗi nhà giàn có chừng 40 đến 60 khối nước dự trữ trong 6 tháng mùa khô. Để khắc phục tình trạng thiếu nước ngọt, các anh tận dụng tất cả mặt bằng để hứng nước mưa dự trữ; sử dụng tiết kiệm và tận dụng tối đa. Mặc dù vậy, vào mùa khô, cán bộ, chiến sĩ các Nhà giàn DK1 phải tiết kiệm từng lít nước để sinh hoạt, tăng gia.

 

Thiếu úy Trần Khánh Nhật, Chính trị viên Nhà giàn DK1/8 cho biết: Mặc dù phải đối mặt với những khó khăn, thiếu thốn về vật chất lẫn tinh thần, nhưng cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1 chúng tôi đều quyết tâm vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và tăng gia sản xuất cải thiện đời sống. Trong năm 2013, Nhà giàn DK1/8 duy trì thường xuyên, chặt chẽ công tác sẵn sàng chiến đấu; bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt, bảo mật 100%; quan sát vùng biển chặt chẽ vùng biển không để xót, lọt mục tiêu xâm phạm; ký giấy xác nhận cho trên 100 tàu cá của ngư dân đánh bắt hải sản tại khu vực DK1; tăng gia trồng được 800kg rau xanh, đánh bắt được 750 kg cá tươi…

 

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá, Ngô Mạnh Trường, Phó Tư lệnh Vùng 2 Hải Quân cho biết: Vùng biển thềm lục địa phía Nam Tổ quốc ẩn chứa nhiều tiềm năng, lợi thế, đang được khai thác góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhưng cũng đồng thời cũng tiềm ẩn những yếu tố gây mất ổn định, khó lường. Noi gương lớp lớp cán bộ, chiến sĩ đi trước, các cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn DK1 thuộc Vùng 2 Hải quân hôm nay, tiếp tục vượt qua mọi khó khăn gian khổ, trụ vững nơi đầu sóng, ngọn gió, bảo vệ vững chắc chủ quyền thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc với quyết Tâm “Còn người, còn Nhà giàn, còn biển”.