TN - Ngày 2-1, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh năm 2014, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì Hội nghị. Tham gia Hội nghị còn có các đồng chí Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Trong những năm gần đây, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới và trong nước diễn ra khá phức tạp. Nổi bật là một số dịch bệnh như: Cúm A(H5H1, H7N9), tay chân miệng, sốt xuất huyết, bệnh viêm đường hô hấp cấp tính khu vực Trung Đông (MERS-CoV), sốt rét, dại, các bệnh trong tiêm chủng mở rộng. Tại Việt Nam, năm 2013 đã ghi nhận 2 trường hợp nhiễm cúm A(H5N1), 78.141 trường hợp mắc tay chân miệng, 69.869 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 30.211 trường hợp mắc sốt rét, 99 trường hợp tử vong do dại… Nhìn chung, hoạt động phòng, chống dịch năm 2013 đã đạt được những kết quả tốt, hầu hết các bệnh truyền nhiễm gây dịch đều giảm về số mắc và tử vong so với năm 2012. Tuy nhiên, các bệnh dịch nguy hiểm mới phát sinh, mới nổi như cúm A(H5N1, H7N9), MERS-CoV có tỷ lệ tử vong cao và có nguy cơ xâm nhập, bùng phát tại Việt Nam.
Tại Hội nghị, từ điểm cầu một số tỉnh như Lạng Sơn, Đồng Tháp, Lai Châu, Yên Bái, Hà Nội, T.P Hồ Chí Minh đã báo cáo tình hình dịch bệnh của địa phương và đưa ra các kiến nghị. Hầu hết các ý kiến đưa ra đều tập trung vào các nội dung như: Cần có chính sách thu hút cán bộ y tế dự phòng và đầu tư cơ sở vật chất nhiều hơn phục vụ công tác này.
ết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh trọng tâm kế hoạch phòng, chống dịch năm 2014: Để giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm, khống chế kịp thời dịch bệnh, Bộ Y tế sẽ ban hành kế hoạch phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm ngay từ đầu năm 2014; tổ chức kiểm dịch y tế chặt chẽ tại các cửa khẩu, xử lý ở mức cao nhất đối với các trường hợp buôn lậu gia súc, gia cầm, ngăn chặn không để cho các bệnh dịch nguy hiểm xâm nhập; tăng cường giám sát dịch bệnh tại cộng đồng, phát hiện sớm và xử lý ngay từ những trường hợp mắc bệnh đầu tiên; tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe, phổ biến kiến thức về các biện pháp phòng bệnh.
* Sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chủ trì Hội nghị thứ hai về tổng kết công tác An toàn thực phẩm (ATTP) năm 2013, nhiệm vụ năm 2014.
Trong năm 2013, tình hình ngộ độc thực phẩm, ô nhiễm thực phẩm và các sự cố về ATTP trên toàn quốc có chiều hướng gia tăng như: bún bị nhiễm tinopal, sữa nhiễm khuẩn, rượu giả, rượu kém chất lượng gây nên sự cố nghiêm trọng. Nguyên nhân do ô nhiễm hóa chất, thực phẩm không rõ nguồn gốc, môi trường bị ô nhiễm, đặc biệt là do ý thức của người trực tiếp sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Tỉnh ta hiện có 8.813 cơ sở sản xuất và kinh doanh theo Luật ATTP và Nghị định 38/2012/NĐCP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP. Trong năm 2013, Chi cục Vệ sinh ATTP đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức nhiều hoạt động truyền thông, triển khai công tác thanh, kiểm tra liên ngành cũng như giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.
Toàn tỉnh đã thanh, kiểm tra được 7.345 cơ sở (tập trung chủ yếu ở các cơ sở kinh doanh thực phẩm, cơ sở dịch vụ ăn uống). Qua đó phát hiện 1.540 cơ sở không đạt yêu cầu về chất lượng vệ sinh ATTP, giảm 1,8% so với năm 2012. Các vi phạm cao nhất là vi phạm về điều kiện vệ sinh cơ sở (chiếm tỷ lệ 26%)… Trong năm, trên địa bàn tỉnh tuy không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào lớn từ 30 người mắc trở lên, nhưng đã xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm với 50 người mắc, không có trường hợp tử vong (cùng kỳ năm 2012 là 7 vụ, hơn 600 người mắc).
Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đề nghị trong thời gian tới cần tập trung vào kiểm soát các doanh nghiệp chế biến thực phẩm; xử lý mạnh tay hơn nữa đối với các cơ sở chế biến, vận chuyển thực phẩm mất an toàn. Các sản phẩm được xác định là có nguy cơ mất vệ sinh ATTP cao trong dịp Tết sắp tới gồm rau xanh, hoa quả, thịt, cá. Đối với các sản phẩm này phải tập trung kiểm soát từ các khâu như sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, các chất bảo quản hoa quả, và an toàn trong giết mổ gia súc, gia cầm.
Giải pháp được Ban chỉ đạo Vệ sinh ATTP tỉnh Thái Nguyên đưa ra trong năm 2014 là: Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các ngành liên quan gồm Y tế, Công thương và Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc tổ chức cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh ATTP; tăng cường công tác thanh, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành; các cơ sở được cấp giấy chứng nhận trước năm 2009 sẽ được thẩm định cấp lại; cảnh báo cho các nhà quản lý, lãnh đạo và người tiêu dùng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về các mối nguy gây ô nhiễm thực phẩm trên địa bàn; trước mắt sẽ triển khai Tháng cao điểm về vệ sinh ATTP dịp Tết Giáp Ngọ 2014.