Trợ giúp pháp lý cho 240.176 người

17:56, 17/01/2014

Trong 2 năm, (2012-2013) các tổ chức pháp lý trong cả nước đã tiến hành trợ giúp pháp lý (TGPL) cho 240.176 người với 231.830 vụ việc. 

Đó là con số nổi bật trong báo cáo tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 2 năm triển khai thực hiện chiến lược phát triển TGPL ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 17-1, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường chủ trì Hội nghị. Tham dự tại điểm cầu Thái Nguyên có đồng chí Nguyễn Hùng Tráng, Giám đốc Sở Tư pháp cùng đại diện một số sở, ngành liên quan.

 

Ngày 10-5-2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 678/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển TGPL ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Qua hơn 2 năm triển khai, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các Bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và địa phương quan tâm, chỉ đạo, tổ chức thực hiện trong phạm vi toàn quốc và đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần nâng cao hiệu quả công tác TGPL, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của người được TGPL. Trong 2 năm qua, các tổ chức TGPL đã thực hiện 231.830 vụ việc, trung bình 115.915 vụ việc/năm, tăng 18% so với trung bình năm trước khi thực hiện Chiến lược. 240.176 người được TGPL, trong đó 93.421 người nghèo (38,9%); 42.832 người dân tộc thiểu số (17,8%); 34.079 người có công với cách mạng (14,2%); 10.819 trẻ em (4,5%); 486 người khuyết tật (0,2%); 1.213 người già (0,5%) và 57.326 đối tượng khác (23,9%).

 

Đối với Thái Nguyên, 2 năm qua các tổ chức TGPL đã thực hiện được 1.322 vụ việc. Trong đó, trợ giúp lưu động được 1.182 vụ việc; tư vấn tại cơ sở được 36 vụ việc; tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng được 104 vụ; tổ chức 88 chuyến TGPL lưu động đến các xã, xóm, thôn, bản của các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. 

 

Tại Hội nghị, sau khi nghe báo cáo chuyên đề của một số Bộ, ngành và địa phương, các đại biểu đã tập trung thảo luận nhằm chỉ ra những hạn chế, bất cập của công tác TGPL trong 2 năm qua và đưa ra những giải pháp khắc phục.

 

 Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu ghi nhận những đóng góp của các tổ chức TGPL đã làm được trong thời gian qua. Đồng thời yêu cầu Bộ Tư pháp cần đặc biệt quan tâm đến công tác TGPL cho người nghèo, người dân tộc thiểu số, không để cho người dân “đói nghèo về pháp luật”; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành để tham mưu xây dựng chiến lược trợ TGPL, nâng cao vai trò, sự vào cuộc của các luật sư trong công tác TGPL cho người dân.