(TN) - Để phục vụ công tác giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 18-3, tại Thái Nguyên, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã tổ chức Hội thảo chia sẻ báo cáo nghiên cứu giảm nghèo bền vững gắn với chênh lệch mức sống và lấy ý kiến dự thảo đề cương báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo, giai đoạn 2005-2012”.
Dự Hội nghị có các đồng chí Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội; Đoàn Thị Hảo, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, đại diện nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, lãnh đạo Thường trực HĐND, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND của 12 tỉnh, thành phía Bắc. Đồng chí Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát về giảm nghèo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì (ảnh).
Theo báo cáo đánh giá của Đoàn giám sát kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo, giai đoạn 2005-2012: Tuy không có nghị quyết riêng về giảm nghèo song giai đoạn 2005-2012 có tới 10 nghị quyết của Quốc hội và khoảng 20 luật có nội dung liên quan đến nội dung giảm nghèo. Ngoài ra, các địa phương đều ban hành nghị quyết phù hợp với đặc thù của từng nơi như: hỗ trợ học phí, lãi suất… cho hộ nghèo. Chỉ tính riêng chính sách tín dụng trực tiếp cho hộ nghèo thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội đã có 15 chương trình trực tiếp dành cho người nghèo. Riêng doanh số cho vay chương trình 167 đạt hơn 483,5 nghìn hộ; cho vay xuất khẩu lao động có hơn 6.123 hộ. Đối với các chính sách tín dụng khác cho vay theo Nghị quyết 30A còn cho hộ nghèo vay vốn mua giống gia súc, gia cầm, phát triển tiểu thủ công nghiệp, hỗ trợ 50% lãi suất đối với người nghèo để trồng rừng sản xuất… Nhờ những chính sách này mà kết quả giảm nghèo qua các năm đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Theo báo cáo của Chính phủ, tỷ lệ giảm nghèo của 62 huyện nghèo trong toàn quốc giảm từ 58,33% năm 2010 xuống còn 50,97% năm 2011 và 43,89% năm 2012, bình quân giảm trên 6,48%/năm.Đối với tỉnh Thái Nguyên, công tác giảm nghèo có nhiều tiến bộ, tỷ lệ hộ nghèo năm 2012 là 13,76% giảm xuống còn 11,66% năm 2013, giảm 2,1% theo kế hoạch.
Phát biểu tại Hội thảo, các đại biểu khẳng định: Đảng và Nhà nước đã dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác giảm nghèo, nhờ vậy tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh theo các năm trong bối cảnh nguồn lực còn có hạn. Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận thì một số chương trình hỗ trợ giảm nghèo còn trùng chéo, dàn trải, manh mún. Nguồn lực bị phân tán do có quá nhiều chính sách giảm nghèo, khó thực hiện việc lồng ghép các nguồn lực do mỗi chương trình, chính sách có mục tiêu, đối tượng khác nhau. Bộ máy làm công tác giảm nghèo mỏng, yếu, không thống nhất mô hình…
Trên cơ sở các ý kiến đóng góp tại Hội thảo, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội và Đoàn giám sát sẽ tổng hợp báo cáo tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội.