Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Cao ủy Thương mại EU

08:39, 18/03/2014

Chiều 17/3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Cao ủy Thương mại Liên minh châu Âu (EU) Karel De Gucht sang Việt Nam dự Phiên đàm phán thứ 7 Hiệp định Thương mại tự do song phương Việt Nam- EU (diễn ra từ ngày 17-21/3/2014) cũng như thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại giữa Việt Nam và EU.

Hoan nghênh ngài Karel De Gucht sang thăm và làm việc tại Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, với sự nỗ lực, thiện chí hợp tác của cả 2 bên, các Phiên đàm phán Hiệp định Thương mại tự do song phương Việt Nam – EU đã đạt được những kết quả tích cực; tin tưởng hai bên sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ, kết thúc đàm phán Hiệp định này vào tháng 10/2014 như mong muốn của cả Việt Nam và EU.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, quan hệ Việt Nam – EU thời gian có những bước phát triển hết sức mạnh mẽ. Việc 2 bên thúc đẩy và sớm kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do song phương Việt Nam – EU sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho cả 2 bên. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn trong quá trình đàm phán, EU quan tâm tới trình độ phát triển và lợi ích của Việt Nam, đặc biệt quan tâm mở cửa cho hàng hóa Việt Nam trong các lĩnh vực như: nông nghiệp, thủy sản, hàng dệt may... Với tinh thần thiện chí, Việt Nam sẽ nỗ lực để sớm kết thúc đàm phán thành công Hiệp định, mang lại lợi ích thiết thực và lâu dài cho cả 2 bên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ.

 

Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị EU sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường đầy đủ.

 

Ngài Karel De Gucht bày tỏ vui mừng trước những kết quả tích cực trong quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư Việt Nam-EU cũng như những kết quả mà 2 bên đạt được trong các Phiên đàm phán Hiệp định Thương mại tự do song phương Việt Nam – EU; khẳng định EU sẽ tiếp tục nỗ lực, phối hợp chặt chẽ với phía Việt Nam để sớm kết thúc thành công đàm phán Hiệp định này.

 

Được biết, hiện EU là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Đặc điểm nổi bật trong cơ cấu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU là tính bổ sung rất lớn; tính đến hết tháng 11/2013, tổng kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và EU đạt trên 30 tỷ USD, tăng 17,35% so với cùng kỳ năm 2012. Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang EU là giầy dép, hàng dệt may, cà phê, đồ gỗ, hải sản... EU cũng là nhà đầu tư lớn vào Việt Nam, các nhà đầu tư EU đã có mặt tại hầu hết các ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, tập trung nhiều nhất vào công nghiệp, xây dựng và một số ngành dịch vụ./.