Vang mãi khúc quân hành

19:51, 16/03/2014

Từ Thái Nguyên, nơi hơn 60 năm trước Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng đã quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng tôi - những người làm báo Đảng vừa có chuyến lên miền Tây Bắc cùng những cựu chiến sĩ Điện Biên năm xưa. Chuyến đi hết sức đặc biệt bởi sự có mặt của những nhân chứng đã từng góp phần cùng nhân dân cả nước làm nên một Điện Biên chấn động địa cầu. Lần trở lại này của các nhân chứng là để tham gia cầu truyền hình trực tiếp với chủ đề  “Trở lại Điện Biên” do Đài Phát thanh - Truyền hình Thái Nguyên phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Điện Biên Phủ thực hiện.

Trên dặm dài Tây Bắc, trước lúc đến Điện Biên Phủ, bắt đầu từ Hòa Bình, Sơn La, đường liên tiếp loắc ngoắc dốc cua tay áo, nhưng không làm vơi đi không khí phấn chấn của những người chiến sĩ Điện Biên năm xưa. Hơn 60 năm trước, hàng vạn người con ưu tú trên mọi miền đất nước đã nghe theo lời kêu gọi của Đảng, Bác Hồ, lên Điện Biên, qua những con đường mòn men bên dòng Đà - Mã. Ông Trương Minh Tú, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh cho biết: Chuyến đi này có 35 nhân chứng lịch sử, trong đó 29 người là cựu chiến sĩ Điện Biên; 6 người là cựu thanh niên xung phong (TNXP) tham gia phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.

 

Đang giữa mùa hoa ban nở, sắc hoa tinh khôi, trắng mịn một màu như điểm tô cho đất trời Tây Bắc rực rỡ hơn dưới nắng tháng Ba. Từ ngàn đời nay hoa ban vẫn nở đúng độ này, rực rỡ, e ấp và hồn hậu như cô gái người Thái, người Mường. Mỗi độ hoa ban nở, cũng là lúc để các thế hệ người Việt Nam hoài nhớ về một thuở cha ông mình đánh giặc. Hoa ban nở rồi tàn. Nhưng hoa ban cả ngàn năm rồi vẫn trẻ trung, tươi tắn và đằm thắm giữa nắng, gió Tây Bắc. Hơn nửa thế kỷ trước, những chàng trai mười tám, đôi mươi đầu đội mũ nan, chân đạp đôi dép lốp qua những vùng đất của Mai Châu, Mường Khến, Đà Bắc (Hoà Bình); Nà Sản, Hát Lót (Sơn La) và A Pa Chải, Mường Nhé, Tây Trang (Điện Biên Phủ) nay đều ở tuổi hơn, kém tám mươi mùa ban nở. Tuy chân chậm, mắt mờ, da khô, mặt nám, song mỗi lần nhắc đến chiến dịch Điện Biên, ai nấy lòng nôn nao như được sống giữa âm hưởng chiến thắng.

 

Các cựu chiến sĩ Điện Biên với cơm nắm, muối vừng trở lại thăm chiến trường xưa. 

 

Ngay bên đường lên Điện Biên, nơi ngã ba Cò Nòi, tượng đài TNXP sừng sững, uy nghi, khắc ghi lại một thời lửa đạn, 100 liệt sĩ TNXP thuộc Đội 40 và Đội 34, Đoàn TNXP Trung ương đã anh dũng hy sinh trong khi phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Ông Nguyễn Thanh Tuân, xóm Gò Chè, xã Cao Ngạn (Đồng Hỷ) đã kể lại cho chúng tôi nghe về tháng ngày ông cùng đơn vị đội bom, mở đường, bảo đảm thông tuyến tại đoạn đèo Pha  Đin, đèo Chẹn và ngã ba Cò Nòi. Ông bảo: Ban ngày giặc Pháp đến thả bom, ban đêm cả đơn vị lại hò nhau san lấp mặt đường, gian khổ mà vui như mở hội. Tôi thấy trên khuôn ngực ông dày dặn những tấm huân, huy chương lấp lánh. Ông tự hào chỉ cho tôi xem tấm Huy chương ông được Đảng, Nhà nước trao tặng trong những ngày tham gia mở đường tại ngà ba Cò Nòi. Cũng ở đây, ông một lần bị bom vùi, may mắn được đồng đội đến moi lên từ trong đất đá. Vậy mà đêm hôm sau, tiếng bom địch vừa ngưng, ông lại cùng đồng đội ra mặt đường làm nhiệm vụ. Ông lau vội hàng nước mắt, thương nhớ những bạn chiến đấu xưa đã vĩnh viễn nằm lại nơi đây khi tuổi đời vừa mười tám, đôi mươi. Chợt đâu đó có ngọn gió từ ngàn sâu thoảng lại, hoài hồ như tiếng anh linh của những người nằm xuống trở về nhận trầm thơm sẻ chia của đồng đội cũ. Phút giây ngắn ngủi rồi lại vội chia ly, mong các anh yên nghỉ cho chúng tôi đi tiếp chuyến hành trình.

 

Hành trang mang theo của người chiến sĩ Điện Biên hôm nay là những tấm huân, huy chương hiên ngang màu chiến thắng. Tôi cũng như bao thế hệ con dân đất Việt, và đời đời sau này đều tôn kính sự dũng cảm, không nề hy sinh của cha ông mình. Ông Hầu Văn Đô, xã La Hiên (Võ Nhai), râu tóc bạc trắng, đôi tai không còn nghe rõ, nhưng vẫn nhớ thời trẻ trai của mình khi tham gia chiến dịch Điện Biên. Ngày đó ông là bộ đội pháo binh thuộc Trung đoàn 675, Sư 351. Ông kể: Để đưa đuợc pháo vào mặt trận, bộ đội, dân công phải tháo dỡ khẩu pháo ra từng bộ phận lẻ rồi khiêng vào. Vất vả, song ai nấy đều hăng hái, thà hy sinh chứ không chịu lui bước trước gian truân, cơ khổ. Để ngày tổng công kích, từ đồi cao pháo ta nã vào đầu giặc, đè bẹp tinh thần của đội quân viễn chinh đến từ trời Âu. Cùng là lính pháo binh, ông Phan Thanh Đô, thị trấn Chợ Chu (Định Hoá), kể: Tôi thuộc đơn vị DKZ, nhiệm vụ của đơn vị là đánh xe tăng, xe bọc thép và phá huỷ lô cốt địch. Trận mạc có nề hà gì hiểm nguy, nhiệm vụ trên giao chúng tôi luôn hoàn thành. Đồng hương Định Hoá với ông Đô, cựu chiến sĩ Điện Biên Mông Đức Ngô, xã Phượng Tiến tự hào kể: Ngày tham gia chiến dịch Điện Biên, tôi là Trung đội trưởng thông tin. Đơn vị đóng tại đồi Mường Phăng, nhiệm vụ là truyền mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến các đơn vị chiến đấu tại Điện Biên Phủ. Nói rồi, ông lấy cho tôi xem những bức ảnh ông được chụp cùng Đại tướng ngày ở Điện Biên và những năm tháng sau này.

 

Các cựu chiến sĩ Điện Biên thắp hương viếng các liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ. 

 

Tôi biết, với người lính Việt Nam, thì đó là một kỷ niệm thiêng liêng. Và hôm nay trở lại chiến trường xưa, ông Ngô cũng như bao đồng đội cũ, dù mỗi người ở một đơn vị, một nhiệm vụ khác nhau nhưng đều chung một lý tưởng đánh bại ý chí xâm lược của kẻ thù, dành độc lập cho dân tộc. Để hôm nay, ngay đồi A1, nơi trận chiến xảy ra ác liệt nhất trong toàn chiến dịch, những cựu chiến sĩ Điện Biên tự hào kể về các vị trí bố phòng của địch bị quân ta tiêu diệt. Bên chiếc xe tăng “Bazeilie” bị Đại đội 674, Đại đoàn 316 tiêu diệt vào sáng ngày 1-4-1954, những cựu binh Việt Nam khi trở lại đều dừng chân, dang tay bịt lại nòng pháo với nghĩ suy chấm dứt chiến tranh.

 

Trên đỉnh đồi A1, nhìn hố bọc phá sâu hoẳm do bộ đội ta khai hoả, cựu chiến sĩ Điện Biên Nguyễn Văn Trạch, xã Nhã Lộng (Phú Bình) cho biết: Tôi là bộ đội công binh, thuộc Cục Vận tải. Nhiệm vụ của đơn vị là rà phá bom, mìn, san lấp đường và vận tải đạn dược phục vụ chiến dịch từ đèo Pha Đin vào Điện Biên. Đơn vị tôi còn được tăng cường đào hầm đánh bộc phá đồi A1. Có mặt ở đó, cựu TNXP Nguyễn Thị Thu, xã Đồng Bẩm (T.P Thái Nguyên) cứ đứng lặng nhìn xuống chân đồi, nơi nghĩa trang các Anh hùng liệt sĩ để hoài nhớ về thời trẻ trung, bà cùng đồng đội tham gia tải đạn ở Hồng Cúm, cáng thương binh từ mặt trận ra hậu cứ và tham gia thu dọn chiến trường. Còn ông Trương Lương, xã Hùng Sơn (Đại Từ) tự hào: Ông thuộc Trung đoàn 141, Đại đoàn 312, đơn vị đánh đồi Him Lam, trận mở màn của chiến dịch. Ông trầm ngâm bảo: Thắng lợi nhiều song cũng lắm thương vong.

 

Bên hàng mộ chí giữa nghĩa trang Điện Biên, tôi nghẹn ngào khi chứng kiến những cựu chiến binh mang trên ngực đầy ắp huân, huy chương đang khóc bạn: “60 năm rồi, bạn nằm lại đây, nay tớ mới về thăm...”. Ông Vũ Văn Sảo, thị trấn Trại Cau (Đồng Hỷ) thổn thức: Tôi cùng Tiểu đoàn với Anh hùng Tô Vĩnh Diện. Ngày chiến thắng, trong số những người trở về, không có anh... Cùng với hàng ngàn liệt sĩ, bia mộ Anh hùng Phan Đình Giót, hy sinh ngày 13-3-1954 (ngày mở màn chiến dịch) nằm kề cạnh Anh hùng Trần Can, hy sinh ngày 7-5-1954 (ngày kết thúc chiến dịch)... Cả nghĩa trang Điện Biên, ngày nào cũng thế, khói trầm lan toả, hương thơm đằm lòng gợi một niềm thiêng vô hạn. Tôi lặng lẽ đọc dòng chữ khắc trên tượng đài: “Vinh quang đời đời thuộc về các Anh hùng liệt sĩ”.

 

Một góc của thành phố Điện biên hôm nay.

 

Vâng! Anh nằm đó trong tiếng ru quê hương. Giữa khúc hát khải hoàn ngày quân dân ta thắng trận. Để hôm nay, những người con của vùng đất thép Thái Nguyên, trở lại Điện Biên, nghiêng mình trước âm hưởng của khúc tráng ca được dân tộc Việt Nam viết nên bằng máu và nước mắt. Cho bên đôi dòng Nậm Rốm hôm nay nhà tầng vươn cao. Tôi thầm nhủ: Điện Biên Phủ đang vươn mình, khởi sắc ngay trên nền truyền thống của quê hương cách mạng. Cháu con Điện Biên hôm nay đang cùng nhân dân cả nước hát tiếp khúc quân hành đổi mới.

 

*Hướng tới kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7-5), trong 4 ngày (từ 14 đến 17-3), Thành đoàn Thái Nguyên đã tổ chức Chương trình “Âm vang Điện Biên” tại tỉnh Điện Biên. Tham gia chương trình có các cán bộ, y, bác sĩ, đoàn viên thanh niên ưu tú đại diện cho hơn 30.000 đoàn viên của T.P Thái Nguyên.

 

 

Trong chương trình, đoàn đã đến dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Độc Lập, Nghĩa trang Đồi A1; thăm Khu di tích lịch sử Đồi A1, Bảo tàng Điện Biên, Khu di tích lịch sử Mường Phăng, Khu di tích lịch sử đền Hoàng Công Chất và tham gia cầu truyền hình trực tiếp  “Trở lại Điện Biên” do Đài Phát thanh - Truyền hình Thái Nguyên và Đài Phát thanh - Truyền hình Điện Biên Phủ phối hợp thực hiện.

 

Nhân dịp này, Thành đoàn Thái Nguyên đã về xã Noong Luống (huyện Điện Biên), tặng quà cho 11 gia đình chính sách nghèo và 20 em học sinh vượt khó học giỏi của xã; khám bệnh, tư vấn cách bảo vệ sức khoẻ và cấp thuốc miễn phí (trị giá khoảng 8 triệu đồng) cho gần 100 người già, người nghèo tại đây.