Làm sâu sắc thêm quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt Nam và Malaysia

15:30, 02/04/2014

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Malaysia (Ma-lai-xi-a) Najib Tun Razak (Na-díp Tun Ra-giắc) và Phu nhân thực hiện chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 3-5/4/2014. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Thủ tướng Najib Tun Razak từ khi tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai vào tháng 5/2013.

Nằm ở khu vực Đông Nam Á, sau khi giành độc lập năm 1957, Ma-lai-xi-a là một nước nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu. Những năm 1970, Ma-lai-xi-a thực hiện chính sách hướng Tây để tranh thủ nguồn vốn và kỹ thuật. Đến đầu những năm 1980, Ma-lai-xi-a chuyển sang chính sách hướng Đông, chủ yếu tăng cường quan hệ với Nhật Bản và một số nước công nghiệp mới (NICs), nhằm học tập và tranh thủ vốn, kinh nghiệm để hiện đại hóa đất nước. Những năm gần đây, trong khi vẫn tranh thủ nguồn vốn, kỹ thuật của các nước phương Tây và các nước NICs, Ma-lai-xi-a đã thực hiện chính sách hướng Nam, tăng cường hợp tác với các nước đang phát triển để mở rộng thị trường.

 

Tốc độ tăng trưởng GDP của Ma-lai-xi-a trong giai đoạn 1970-1996 liên tục tăng và ở mức cao bình quân 6,7%, cao nhất là năm 1990 là 9,8%. Trong hai năm 1997-1998, kinh tế Ma-lai-xi-a rơi vào khủng hoảng khá trầm trọng. Năm 1998, GDP là -6,7%, đồng ring-gist mất giá 65%. Tuy nhiên nhờ có biện pháp khắc phục khủng hoảng đúng đắn trong đó có việc ấn định tỷ giá và kiểm soát vốn, nền kinh tế Ma-lai-xi-a từ đầu năm 1999 đến nay đã phục hồi khá nhanh.

 

Năm 2010, Chính phủ Ma-lai-xi-a đã thành công trong nỗ lực vực dậy nền kinh tế khi nhanh chóng chuyển hướng thị trường xuất khẩu từ các nước thị trường truyền thống như châu Âu, Bắc Mỹ sang thị trường châu Á, Trung Đông và đưa ra hai gói kích cầu trị giá khoảng 18 tỷ USD. Nhờ đó, kinh tế Ma-lai-xi-a đã hồi phục và tăng trưởng cao, đạt 7,2% năm 2010 và 5,1% năm 2011. Năm 2012, mặc dù kinh tế thế giới còn nhiều thách thức, Ma-lai-xi-a vẫn duy trì mức tăng trưởng chắc chắn, GDP đạt 5,1%. Chính phủ của Thủ tướng Dato'Seri Mohd Najah Haminah Binti Haji Hamidun (Mohd Na-gíp Bin Tun Ha-gi Áp-đun Ra-giắc) đã đẩy mạnh thực hiện “Mô hình kinh tế mới” (NEM) nhằm đưa Ma-lai-xi-a trở thành nước có thu nhập trung bình trên đầu người tăng gấp đôi, đạt 15.000 USD vào năm 2020.

 

Trong chính sách đối ngoại của mình, Ma-lai-xi-a thúc đẩy quan hệ hữu nghị vững chắc với các nước Đông Nam Á, thiết lập môi trường ổn định và hòa bình trong khu vực, đảm bảo và phát huy lợi ích kinh tế quốc tế của Ma-lai-xi-a thông qua việc thắt chặt quan hệ trực tiếp với các nước khác hoặc các diễn đàn đa phương, tăng cường hợp tác kinh tế với các nước đang phát triển thông qua sự ủng hộ mạnh mẽ và thúc đẩy quan hệ Nam - Nam.

 

Ngày 30/3/1973, Việt Nam và Ma-lai-xi-a thiết lập quan hệ ngoại giao. Năm 1976, hai nước đã lập Đại sứ quán ở thủ đô của mỗi nước. Năm 2004, nhân chuyến thăm Ma-lai-xi-a của Thủ tướng Phan Văn Khải, hai nước đã ra “Tuyên bố chung về khuôn khổ Đối tác Toàn diện trong thế kỷ 21”. Hiện, quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai nước đang phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực. Hai bên duy trì các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao, gần đây nhất là chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ma-lai-xi-a của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (9/2011), Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan dự Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu (6/2013) và Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải dự Hội nghị thượng đỉnh doanh nhân toàn cầu tại Ma-lai-xi-a (10/2013)...

 

Ma-lai-xi-a là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam trong ASEAN và lớn thứ 9 trên toàn thế giới; kim ngạch thương mại hai chiều tăng đều, đạt khoảng 4,2 tỷ USD năm 2009; đạt 7,9 USD năm 2012 (Việt Nam xuất khẩu 3,4 tỷ USD, nhập khẩu 4,5 tỷ USD), tăng 16% so với năm 2011; đạt 9 tỷ USD năm 2013 (Việt Nam xuất khẩu 4,9 tỷ USD, nhập khẩu 4,1 tỷ USD).

 

Từ năm 1991, Công ty dầu khí Petro Vienam và Petronas Ma-lai-xi-a thiết lập quan hệ hợp tác. Hai bên đã triển khai 10 dự án hợp tác tại Việt Nam với tổng trữ lượng khoảng 72.000 thùng dầu/ngày. Ngoài ra, hai nước còn hợp tác trên các lĩnh vực dịch vụ, chế biến, thăm dò và tìm kiếm dầu khí...

 

Hai nước đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác giáo dục trong chuyến thăm chính thức Ma-lai-xi-a của Thủ tướng Phan Văn Khải (4/2004). Hàng năm, Ma-lai-xi-a cấp học bổng đại học và cao học cho sinh viên Việt Nam, bao gồm học bổng Chính phủ và học bổng do các tập đoàn kinh tế lớn của Ma-lai-xi-a cấp. Chính phủ Ma-lai-xi-a đã mở cửa thị trường lao động cho Việt Nam từ năm 2002 và hai nước đã ký Thỏa thuận cấp Chính phủ về hợp tác lao động. Hiện có khoảng 80.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Ma-lai-xi-a.

 

Hợp tác trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng và các lĩnh vực khác cũng đạt nhiều kết quả tích cực. Ngoài ra, hai nước đã hợp tác tốt tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là trong ASEAN và Liên hợp quốc.

 

Thời gian qua, hai nước đã ký kết nhiều hiệp định và thỏa thuận hợp tác như: Hiệp định về miễn thị thực cho người mang hộ chiếu phổ thông (9/2001). Kể từ khi hai nước miễn thị thực cho công dân mang hộ chiếu phổ thông, lượng du khách Ma-lai-xi-a đến Việt Nam tăng nhanh (năm 2006 là 106.000 lượt người, năm 2011 đạt 211.000 lượt người). Hai bên đã ký Tuyên bố chung về Khuôn khổ hợp tác toàn diện trong thế kỷ 21 giữa Việt Nam và Ma-lai-xi-a (2004); Thỏa thuận hợp tác phòng, chống tham nhũng giữa Thanh tra Chính phủ Việt Nam và Ủy ban chống tham nhũng Malaysia (2010); các bản ghi nhớ về hợp tác giáo dục, quốc phòng, ngân hàng, công nghệ thông tin và truyền thông...

 

Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Ma-lai-xi-a là dịp để lãnh đạo hai nước thảo luận các biện pháp làm sâu sắc thêm quan hệ song phương, bàn phương hướng thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực: Kinh tế, thương mại, đầu tư, lao động; đồng thời trao đổi các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm./.