Cuộc họp của Hội đồng Chung khảo Giải báo chí quốc gia lần thứ VIII đã kết thúc trưa 1-6 sau hai ngày làm việc khẩn trương, công tâm và với tinh thần trách nhiệm cao.
Hội đồng Chung khảo cho biết: Trong tổng số 183 tác phẩm lọt vào vòng chung khảo, Hội đồng đã lựa chọn 8 giải A, 27 giải B, 41 giải C và 38 giải Khuyến khích (tổng cộng 114 tác phẩm).
Phát biểu tại phiên bế mạc, đồng chí Thuận Hữu, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Chung khảo đánh giá: Các tác phẩm lọt vào vào chung khảo có chất lượng đồng đều, không có tác phẩm yếu kém nhưng cũng chưa có các tác phẩm xuất sắc, nổi trội. Những tác phẩm đã bám sát các nhiệm vụ chính trị của đất nước, ngành, địa phương trong thực hiện các nghị quyết của Đảng, phản ánh kịp thời tình hình, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của đất nước, nhất là vấn đề biển đảo.
Theo ông Thuận Hữu, nhiều tác phẩm báo chí năm 2013 đi sâu vào giới thiệu các nhân tố mới, gương người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến trong hoạt động đầu tư, phát triển, ngăn chặn đà suy giảm kinh tế, xóa đói giảm nghèo vùng sâu, xa, khắc phục thiên tai, chống tham nhũng… Nhiều tác phẩm đoạt giải có tính phát hiện, thể hiện sự chuyên nghiệp và trách nhiệm xã hội của người làm báo ngày càng được nâng cao.
Đánh giá về kết quả và chất lượng Giải báo chí quốc gia tổ chức năm nay, nguyên Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn, thành viên Hội đồng Chung khảo cho rằng: Giải báo chí năm nay huy động được số lượng tham gia đông đảo, đều khắp. Đặc biệt nhất là loại hình báo điện tử tham gia một cách đầy đủ, với nhiều thể loại, như một loại hình báo chí chính thức được xác định trong luật định.
“Những tác phẩm báo chí được giải, hoặc được chọn vào vòng phúc khảo không phải chỉ nằm lại ở giải mà tác động, sức lan tỏa của nó, hiệu ứng lan rộng trong xã hội nói chung, với các đồng nghiệp nói riêng trong việc học tập kinh nghiệm thực tiễn nghề nghiệp”, ông Đỗ Quý Doãn nói.
Ông Đỗ Quý Doãn cho hay, nhiều thành viên trong Hội đồng thật sự ấn tượng về loạt bài điều tra về than lậu ở Quảng Ninh đăng trên Báo Nhân Dân.
“Đây là đề tài không chỉ thuần túy chống tiêu cực, phân tích, lý giải, chỉ ra được những vấn đề thực tiễn, cho thấy cuộc đấu tranh trên mặt trận này hết sức gian nan, khốc liệt, với những thủ đoạn tinh vi. Từ đó các tác giả đã rút ra được bài học, kinh nghiệm, đề xuất về cơ chế, chính sách để thực hiện tốt hơn”, ông Doãn khẳng định.
Theo Ban Tổ chức, điểm mới năm nay là số cấp Hội ở Trung ương (Liên chi hội, chi hội trực thuộc) tham dự Giải tăng cao nhất; số Hội nhà báo tỉnh, thành phố có tác phẩm tham dự giải ở mưc cao so với các năm trước. Có 58 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố tham gia, so với năm 2012 có 59; và năm 2011 có 51 Hội.
Lễ trao giải những tác phẩm tiêu biểu đoạt Giải báo chí quốc gia năm 2013 sẽ được tổ chức đúng dịp kỷ niệm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6 năm nay, tại thủ đô Hà Nội.
Nguyên Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn (ảnh)- thành viên Hội đồng Chung khảo Giải báo chí quốc gia năm 2013: Luôn khuyến khích những tác giả, những tác phẩm có tính phát hiện, ý tưởng độc đáo
Tại buổi làm việc kết thúc chấm giải của Hội đồng Chung khảo, phóng viên báo Nhân Dân đã có cuộc phỏng vấn ngắn với ông Đỗ Quý Doãn, nhiều năm qua là thành viên Hội đồng. Ông cho biết:
Năm 2013, báo chí đã phản ánh được tất cả các sự kiện quan trọng nhất của đất nước một cách đầy đủ, sinh động, trong nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, chính trị, văn hóa... Báo chí đã đề cập nhiều điển hình, nhân tố mới từ cuộc sống, qua đó có những bài đạt chất lượng tốt. Bên cạnh đó, có những bài viết đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực, qua đó người viết phân tích, lý giải và rút ra được những bài học kinh nghiệm thuyết phục.
Thời gian tới, theo ông Đỗ Quý Doãn, vai trò Ban biên tập, lãnh đạo cơ quan báo chí rất quan trọng, tạo điều kiện cho nhà báo bám sát thực tế, các sự kiện. “Tôi tin chắc năm 2014 chúng ta sẽ có nhiều bài hay, mang tính “mũi nhọn” nhất của cuộc sống đang diễn ra, như chủ đề về biển đảo” - ông nói.
Thứ hai, “có thực mới vực được đạo”. Để có những tác phẩm báo chí xuất sắc, cơ quan báo không chỉ tạo điều kiện về tinh thần “suông”, mà còn phải tạo điều kiện về cơ sở vật chất, phương tiện hiện đại, điều kiện làm việc phải được nâng lên. Cần quan tâm chỉ đạo sát sao hằng ngày đối với những đề tài, chủ đề được xã hội đang rất quan tâm.
Các tác phẩm báo chí đoạt giải quốc gia phải là những tác phẩm xứng đáng được công chúng, đông đảo xã hội thừa nhận, vinh danh. “Giải báo chí quốc gia luôn chú trọng khuyến khích những tác giả, những tác phẩm đề cập nhân tố mới, có tính phát hiện, ý tưởng độc đáo”- ông Đỗ Quý Doãn nhấn mạnh.
|