Khẩn trương khắc phục hậu quả mưa, lũ, giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống; nhiều ưu đãi đối với HSSV các ngành nghệ thuật truyền thống; chú trọng phát triển dòng xe tải nhỏ đa dụng; nâng cao chất lượng dịch vụ đường sắt;... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 21-25/7/2014.
Khẩn trương khắc phục hậu quả mưa, lũ
Để khẩn trương khắc phục hậu quả mưa, lũ do ảnh hưởng của bão số 2, giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện yêu cầu UBND các tỉnh tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại; hỗ trợ cứu chữa người bị thương, mai táng người thiệt mạng; cứu trợ lương thực, nước uống, nhu yếu phẩm cho các hộ dân bị mất nhà cửa, đảm bảo không để người dân nào bị đói, khát; tiếp tục rà soát, chủ động di dời các hộ dân ra khỏi các khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét để đảm bảo an toàn tính mạng.
Bên cạnh đó, chỉ đạo lực lượng cán bộ y tế hỗ trợ nhân dân đảm bảo vệ sinh môi trường sau khi lũ rút, không để phát sinh dịch bệnh; huy động các lực lượng thanh niên, quân đội, công an trên địa bàn giúp nhân dân dựng lại nhà cửa và dọn vệ sinh môi trường.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các cơ quan chuẩn bị giống, vật tư, phân bón, kịp thời hỗ trợ khôi phục sản xuất, đảm bảo mùa vụ.
Nhiều ưu đãi đối với HSSV các ngành nghệ thuật truyền thống
Theo quyết định về chế độ ưu đãi đối với học sinh, sinh viên các ngành nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các trường văn hóa - nghệ thuật đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành, chế độ ưu đãi đối với học sinh, sinh viên học các ngành nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các trường văn hoá - nghệ thuật công lập và ngoài công lập, gồm: Nhạc công kịch hát dân tộc, nhạc công truyền thống Huế, đờn ca tài tử Nam Bộ, diễn viên sân khấu kịch hát, nghệ thuật biểu diễn dân ca, nghệ thuật ca trù, nghệ thuật bài chòi, biểu diễn nhạc cụ truyền thống.
Học sinh, sinh viên theo học tại các cơ sở đào tạo văn hoá - nghệ thuật sẽ được giảm học phí, được hưởng chế độ bồi dưỡng nghề, được trang bị trang phục học tập.
Có ngoại tệ, được sử dụng như thế nào?
Theo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối, người cư trú, người không cư trú là cá nhân có ngoại tệ tiền mặt được quyền cất giữ, mang theo người, cho, tặng, thừa kế, bán cho tổ chức tín dụng được phép, chuyển, mang ra nước ngoài theo các quy định tại Nghị định này, thanh toán cho các đối tượng được phép thu ngoại tệ tiền mặt.
Người cư trú là công dân Việt Nam được sử dụng ngoại tệ tiền mặt để gửi tiết kiệm ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép, được rút tiền gốc, lãi bằng đồng tiền đã gửi.
Vi phạm quy định về bán hàng đa cấp phạt đến 100 triệu đồng
Theo Nghị định quy định chi tiết Luật Cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh, mức tiền phạt tối đa đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh, hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh khác là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức.
Trong đó, hành vi trả cho người tham gia bán hàng đa cấp tổng giá trị hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác trong một năm vượt quá 40% doanh thu bán hàng đa cấp trong năm đó của doanh nghiệp bán hàng đa cấp thì sẽ bị phạt tiền từ 40-60 triệu đồng.
Phạt tiền doanh nghiệp bán hàng đa cấp từ 60-100 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Kinh doanh theo phương thức đa cấp mà không đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải đặt cọc hoặc đóng một khoản tiền nhất định dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải mua một số lượng hàng hoá dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; yêu cầu người tham gia bán hàng đa cấp phải trả thêm một khoản tiền dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền duy trì, phát triển hoặc mở rộng mạng lưới bán hàng đa cấp của mình;...
Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống cấp, thoát nước
Đề án "Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống cấp, thoát nước và xử lý chất thải rắn sinh hoạt" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu đến năm 2020 đạt các mục tiêu đặt ra trong các Định hướng phát triển hệ thống cấp, thoát nước và Chiến lược quản lý tổng hợp chất thải rắn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đồng thời, huy động được tối đa các nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống cấp, thoát nước và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; trong đó ưu tiên khai thác nguồn vốn đầu tư của thành phần kinh tế tư nhân để giảm đầu tư từ ngân sách nhà nước, nâng cao hiệu quả đầu tư.
Chú trọng phát triển dòng xe tải nhỏ đa dụng
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Về định hướng phát triển, đối với xe tải và xe khách từ 10 chỗ trở lên, chú trọng phát triển dòng xe tải nhỏ đa dụng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, nông thôn; chú trọng phát triển các loại xe khách tầm trung và tầm ngắn chạy liên tỉnh, huyện, nội đô...
Đối với xe đến 9 chỗ, tập trung định hướng tiêu dùng vào dòng xe cá nhân kích thước nhỏ, tiêu thụ ít năng lượng, phù hợp với mức thu nhập dân cư và khả năng đáp ứng của hạ tầng giao thông; xác định rõ đối tác chiến lược, khuyến khích đầu tư các dự án đủ lớn để tạo dựng thị trường cho công nghiệp hỗ trợ.
Đối với xe chuyên dùng, lựa chọn sản xuất, lắp ráp một số chủng loại xe có nhu cầu cao cho thị trường trong nước (xe chở bê tông, xe xitec, xe đặc chủng phục vụ an ninh, quốc phòng...).
Nâng cao chất lượng dịch vụ đường sắt
Theo Đề án Tái cơ cấu ngành giao thông vận tải phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Đề án sẽ thực hiện tái cơ cấu vận tải đường bộ theo hướng hiện đại, bền vững, phấn đấu đến năm 2020, thị phần vận tải hàng hóa đường bộ liên tỉnh đạt khoảng 54,4%, vận tải hành khách đường bộ liên tỉnh đạt khoảng 93,22% so với khối lượng vận tải toàn ngành; phát triển phương tiện vận tải đường bộ theo hướng ưu tiên vận tải công cộng; tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm gồm các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng yếu, các tuyến có nhu cầu vận tải lớn...
Cùng với đó là tái cơ cấu vận tải đường sắt theo hướng đảm nhận vận tải hàng hóa khối lượng lớn trên chặng đường dài hoặc trung bình, phấn đấu đến năm 2020, thị phần vận tải hàng hóa liên tỉnh khoảng 4,34%, vận tải hành khách khoảng 3,4% khối lượng vận tải toàn ngành; nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải đường sắt, đặc biệt tại các ga, đầu mối vận tải; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt theo hướng tập trung ưu tiên nâng cấp, hiện đại hoá tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện có...
Đẩy mạnh truyền thông hỗ trợ hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 43/NQ-CP ngày 6/6/2014 của Chính phủ về một số nhiệm vụ cải cách TTHC trọng tâm trong hình thành và thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất để cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư.
Đồng thời bố trí đủ kinh phí cho hoạt động kiểm soát TTHC theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Thông tư 167/2012/TT-BTC ngày 10/10/2012 quy định việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện các hoạt động kiểm soát TTHC.
Các Bộ, ngành, địa phương cũng cần đẩy mạnh công tác truyền thông hỗ trợ hoạt động kiểm soát TTHC; phối hợp với Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ đánh giá cải cách TTHC đối với những lĩnh vực được lựa chọn.
Tạo môi trường thuận lợi cho thu hút đầu tư vào KCN, KKT
Tại Thông báo 279/TB-VPCP, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các nhà đầu tư vào khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp.
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Quyết định số 60/2010/QĐ-TTg ngày 30/9/2010 và Quyết định số 43/2009/QĐ-TTg ngày 19/3/2009 của Thủ tướng Chính phủ, đề xuất phương án hợp lý hỗ trợ ngân sách Trung ương cho đầu tư xây dựng hạ tầng, bao gồm hỗ trợ xử lý chất thải rắn, nước thải và hạ tầng nhà ở cho người lao động trong KCN, các cụm công nghiệp của các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Tăng cường quản lý Quỹ đầu tư phát triển địa phương
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có phương án tăng cường năng lực tài chính và năng lực quản lý, hoạt động đối với các Quỹ đầu tư phát triển địa phương, đặc biệt là đối với các Quỹ chưa đáp ứng đủ mức vốn điều lệ tối thiểu theo quy định.
Phó Thủ tướng cũng giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan thực hiện tốt các cơ chế, chính sách về tổ chức và hoạt động, chế độ báo cáo của Quỹ, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời các tồn tại, hạn chế, bảo đảm hiệu quả hoạt động của các Quỹ.
Bộ Tài chính xem xét tìm kiếm các nguồn vốn phù hợp và cho vay lại theo quy định hiện hành, nghiên cứu cơ chế hỗ trợ cho Quỹ huy động các nguồn vốn khác để nâng cao năng lực tài chính của Quỹ đầu tư phát triển địa phương.
Tiếp tục sắp xếp, đổi mới hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp
Tại Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh về triển khai thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp, Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục duy trì, củng cố phát triển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đối với các công ty nông nghiệp đang thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh kết hợp an ninh - quốc phòng, tập trung chủ yếu trên địa bàn vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Đối với công ty lâm nghiệp quản lý chủ yếu rừng tự nhiên là rừng sản xuất, Phó Thủ tướng yêu cầu xem xét cụ thể từng trường hợp để sắp xếp lại theo 2 hình thức: (1) Các công ty lâm nghiệp quản lý chủ yếu rừng tự nhiên là rừng sản xuất đã được phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng quốc tế về quản lý rừng bền vững thực hiện sản xuất kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp. (2) Công ty lâm nghiệp quản lý chủ yếu rừng tự nhiên là rừng sản xuất chưa được phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững và chưa được cấp chứng chỉ rừng quốc tế về quản lý rừng bền vững thực hiện nhiệm vụ công ích, đồng thời được huy động các nguồn tài chính phục vụ bảo vệ, phát triển rừng; được tận dụng sản phẩm từ rừng theo quy chế quản lý rừng; trường hợp các công ty không chuyển đổi được sang các loại hình công ty nêu trên thì chuyển sang Ban quản lý rừng.
Đồng thời thực hiện cổ phần hóa các công ty nông nghiệp, lâm nghiệp (quản lý chủ yếu rừng trồng). Trước mắt nhà nước giữ 65% vốn điều lệ trở lên ở một số ngành nghề hoặc địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng có nhiều đồng bào dân tộc, biên giới, an ninh quốc phòng, sau năm 2015 sẽ giảm dần theo quy định và tình hình thực tế. Đối với công ty nông nghiệp trồng cây ngắn ngày, cây hàng năm, chăn nuôi gia súc, gia cầm, công ty giống cây nông nghiệp, giống cây lâm nghiệp, giống chăn nuôi, giống thủy sản Nhà nước không giữ cổ phần chi phối.
Thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên nhằm gắn kết phát triển vùng nguyên liệu với công nghiệp chế biến nông lâm sản và thị trường.
Phó Thủ tướng yêu cầu kiên quyết giải thể các công ty nông, lâm nghiệp hoạt động kinh doanh thua lỗ kéo dài; các công ty thực hiện khoán trắng, giao khoán đất nhưng không quản lý được đất đai và sản phẩm làm ra; các công ty quy mô nhỏ, không cần thiết phải giữ lại.