Cây cầu mới bằng thép được động thổ xây dựng sáng nay (10/7) sẽ giúp cho người dân vùng sâu vùng xa của tỉnh Yên Bái đi lại được an toàn, thuận lợi ngay cả trong mùa mưa lũ. Đây là cây cầu đầu tiên thuộc Dự án 187 cầu treo dân sinh cho 28 tỉnh thành miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên được động thổ xây dựng.
Đáp lại niềm mong mỏi nhiều năm của bà con xã Tú Lệ huyện Văn Chấn và xã Nậm Có huyện Mù Cang Chải, một cây cầu treo vững chắc bằng thép dài 60 mét đã được đầu tư xây dựng bắc qua dòng suối Bản Côm.
Ngay từ sáng sớm, 2 bên bờ suối thiết bị, vật liệu đã được đơn vị thi công tập kết. Con đường đất nhỏ đã được bà con Bản Côm cả tuần qua cùng nhau san gạt, mở rộng thêm để mở đường cho phương tiện cơ giới vào thi công cầu. Những mái nhà của người Thái dưới chân núi, nhà người Mông trên đỉnh nằm chen với màu xanh ngắt của núi rừng.
Chỉ 1 tháng nữa thôi, người dân nơi đây sẽ không còn phải lội suối trên những cây cầu bắc tạm bằng tre, gỗ này
Theo người dân nơi đây, suối Bản Côm trông hiền hòa vào mùa khô, nhưng sẽ rất dữ dằn khi mùa lũ về. Nước sẽ lên nhanh bất thường và chảy siết suốt tháng 7, tháng 8, có năm sang cả tới tháng 9. “Lũ về, chúng tôi không thể qua suối được, trẻ con đã khai giảng, phải lội qua rất nguy hiểm, nhiều đứa bé không qua được nên phải nghỉ học dài ngày. Từ mùa lũ năm nay hết sợ rồi, chúng tôi vui lắm!”, anh Bì Văn Thích - người dân tộc Thái nói.
Chị Lò Thị Mon thì bảo: “Bản đông lắm. Đi làm ruộng, đi chợ Tú Lệ, trẻ con đi học trường cấp 1 đều phải đi qua suối. Lũ to quá phải đi cầu treo bên dưới bản Chao cách hơn 2 cây số, không thì ở nhà thôi”.
Đứng bên suối Bản Côm để chuẩn bị cho lễ khởi công, ông Vũ Minh Thuận - Phó Tổng giám đốc Ban quản lý dự án 3 nói: “Cây cầu thép của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) xây cho dân Bản Côm, bản Chao này có độ bền khai thác 25 năm. Cầu rộng 2 mét, dài 50 mét, được xây dựng theo mẫu thiết kế được Bộ GTVT phê duyệt, có kết cấu phần trên bằng thép, có móng trụ tháp và mố neo bằng bê tông cốt thép, cao hơn mức lũ lịch sử 1 mét để đảm bảo thoát nước và vật cản, cây trôi mùa mưa lũ. Tổng mức đầu tư là 2,59 tỷ đồng.
Chia vui với dân Bản Côm, ông Hoàng Xuân Nguyên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết, tổng số hơn 200 hộ với hơn 1000 nhân khẩu sẽ được hưởng lợi từ cây cầu này, bà con đi làm ruộng, đi chợ, trẻ con đi học được an toàn, kinh tế và an ninh quốc phòng vùng sâu Yên Bái được củng cố hơn.
Theo ông Phạm Quang Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, mong muốn của Bộ GTVT xây cầu Bản Côm là đáp ứng nhu cầu của nhân dân và đảm bảo giao thông trong mùa mưa lũ. Ông Vinh yêu cầu sau 1 tháng nữa cầu Bản Côm phải được hoàn thành để dân có cầu qua suối ngay trước mùa lũ năm nay.
Cầu Bản Côm do Tổng cục Đường bộ VN làm chủ đầu tư. Đại diện chủ đầu tư quản lý điều hành dự án 187 cầu treo dân sinh là Ban Quản lý dự án 3. Nhà thầu thi công là Liên danh nhà thầu Hồng Lam - Đại Lộc.