Đổi mới căn bản toàn diện trong lĩnh vực giáo dục đại học

16:18, 15/08/2014

(TN) - Ngày 15-8, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với hiệu trưởng các trường Đại học, Cao đẳng tại 6 đầu cầu gồm T.P Hà Nội, T.P Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Đà Nẵng, Nghệ An, Cần Thơ. Tại điểm cầu Thái Nguyên có đại diện lãnh đạo Đại học Thái Nguyên và các trường có trụ sở tại 12 tỉnh gồm: Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Giang, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và lãnh đạo Ban tuyên giáo Trung ương, Uỷ ban Văn hóa Giáo dục Thanh, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, các bộ ngành liên quan dự và chỉ đạo Hội.

 

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận một số vấn đề về: Đổi mới tuyển sinh; Tổ chức và quản lý đào tạo; Phát triển đội ngũ giảng viên; Tổ chức và quản lý nhà trường; Về việc thành lập Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; Nhiệm vụ đổi mới giáo dục đại học… Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã đặt ra ba câu hỏi cho các hiệu trưởng về việc phân tầng, xếp hạng trong hệ thống giáo dục; vấn đề đầu tư, quản lý tại các trường Đại học hiện nay; vấn đề đổi mới trong thi cử cụ thể là trong các phương án thi đang được bàn luận sôi nổi hiện nay.

 

Điểm cầu Thái Nguyên được tổ chức tại Trung tâm Học liệu Đại học Thái Nguyên. Các đại biểu cũng đã thảo luận sôi nổi về vấn đề lựa chọn phương án thi và hầu hết đều ủng hộ phương án 1 (thi 8 môn, trong đó phải thi 4 môn lấy kết quả xét tốt nghiệp và bắt buộc phải thi môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, các môn thi còn lại làm cơ sở xét tuyển vào đại học) và cho rằng áp dụng phương án này là hình thức đổi mới từ từ trong khẩu thi cử, dễ cho việc quản lý và cũng dễ cho học sinh, những vẫn phải xem xét lại công tác coi thi và chấm thi. Nếu áp dụng phương án 2 (tích hợp kiến thức 8 môn học lớp 12 vào 5 bài thi) và phương án 3 (tích hợp 11 môn học tổng hợp thành 4 bài thi), học sinh phải có kiến thức tổng hợp, có tư duy mạch lạc, sáng tạo mới đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên cũng có đại biểu tán thành phương án 2 vì phương án này phù hợp với lộ trình đổi mới giáo dục. Để thực hiện tốt phương án này, cấu trúc của đề thi hết sức quan trọng. Việc ra đề thi cần phải đảm bảo yêu cầu của tốt nghiệp trung học phổ thông và câu hỏi phân hóa, trung bình, khá, giỏi để các trường đại học dễ chọn lựa học sinh.

 

Các ý kiến đóng góp của các đại biểu tại 6 điểm cầu tại Hội nghị này sẽ được Bộ Giáo dục và đào tạo tổng hợp lại, kết hợp với với ý kiến của các Sở Giáo dục và Đào tạo và của xã hội để đưa ra phương án tối ưu nhất cho kỳ thi quốc gia 2 trong 1 vào năm 2015.