Ngày 15/8, tại T.P Đà Nẵng đã diễn ra Diễn đàn kinh tế miền Trung với chủ đề “Giải pháp phát huy sức mạnh miền Trung trong giai đoạn mới” dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, GS. Đào Nguyên Cát, Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam, cho biết Diễn đàn lần này là dịp để lãnh đạo các cấp cùng đội ngũ chuyên gia và doanh nghiệp rà soát lại công tác thực tiễn chủ trương và chính sách phát triển kinh tế miền Trung trong giai đoạn qua.Đồng thời, bàn giải pháp đẩy mạnh vai trò của lực lượng nòng cốt là cộng đồng doanh nghiệp, tích cực mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế với các nước trong khu vực để đóng góp cho sự phát triển bền vững của miền Trung.
Tại Diễn đàn này, Ban tổ chức sẽ ra mắt “Ban vận động Quỹ hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biểm” nhằm hỗ trợ, giúp đỡ các cá nhân, gia đình ngư dân miền Trung vươn khơi, bám biển và tích cực tham gia hoạt động bảo vệ an ninh Tổ quốc, chủ quyền quốc gia.
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Vùng duyên hải miền Trung có vị trí địa lý, kinh tế, chính trị chiến lược quan trọng của quốc gia, được ví như chiếc đòn gánh hai đầu Nam Bắc của đất nước, là cửa ngõ hướng ra Biển Đông trong giao thương với khu vực và thế giới.
Vùng có tiềm năng du lịch rất lớn, nhất là du lịch biển đảo và di sản; có tiềm năng lớn về phát triển kinh tế biển với nguồn tài nguyên dầu khí, thủy sản, đất cát ven biển…; đặc biệt Vùng có nhiều khu kinh tế và nếu có cơ chế, thể chế phù hợp sẽ tạo động lực phát triển, hình thành các trung tâm kinh tế mới.
Hiện nay, giao thông ở Vùng cơ bản đảm bảo kết nối thông suốt thông qua hệ thống đường Quốc lộ, đường sắt xuyên Việt, 8 cảng hàng không, 7 cảng biển loại 1 và 7 cảng biển loại 2…
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực khu vực duyên hải miền Trung rất dồi dào, cần cù, thông minh, năng động, bên cạnh đó là xã hội ổn định và môi trường đầu tư khá tốt, nhất là thời gian gần đây khả năng thu hút vốn FDI tốt hơn, nhiều tập đoàn lớn nước ngoài rất quan tâm đến Vùng.
Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều cơ chế, chính sách để phát triển kinh tế-xã hội của Vùng, nhiều dự án lớn đang được triển khai. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung vào tháng 7/2013 với mục tiêu đưa Vùng trở thành khu vực phát triển kinh tế năng động, bền vững, phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển đảo… Bên cạnh đó, nhiều địa phương trong Vùng đã nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thực hiện tái cơ cấu kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ vùng duyên hải miền Trung vẫn là khu vực kinh tế kém phát triển; cơ sở hạ tầng lạc hậu, thiếu đồng bộ; đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo cả vùng còn khoảng 17% trong khi bình quân chung cả nước xấp xỉ 8%. Toàn vùng có 25/62 huyện nghèo nhất của cả nước; cơ cấu kinh tế các tỉnh trong Vùng chuyển dịch theo hướng tích cực nhưng vẫn còn chậm, tỷ trọng nông nghiệp chiếm khoảng 25-27% GDP, cao hơn trung bình cả nước.
Duyên hải miền Trung là vùng có trình độ phát triển thấp hơn so với bình quân cả nước, nền kinh tế chưa đủ để tích lũy đầu tư; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội còn thiếu, yếu, chưa đồng bộ và hiện đại; mặc dù con người năng động, quyết liệt, cần cù nhưng nhìn chung nguồn nhân lực có chất lượng còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của các tỉnh.
Bên cạnh đó, thiên nhiên khắc nhiệt, thường xuyên ảnh hưởng bão lũ, địa hình chia cắt; tính liên kết trong sản xuất, kinh doanh giữa các địa phương trong Vùng không cao…
Đặc biệt, hành động mới đây của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam là thách thức lớn trong phát triển kinh tế-xã hội, nhất là kinh tế biển và trong việc đảm bảo quốc phòng, an ninh trên phạm vi cả nước nói chung và đối với Vùng duyên hải miền Trung nói riêng.
Để thực hiện mục tiêu đặt ra trong quy hoạch Vùng, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương, các nhà khoa học, doanh nghiệp tham dự Diễn đàn phân tích rõ các tiềm năng, thế mạnh của Vùng, của từng địa phương; những khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế - xã hội, phát triển kinh tế biển, từ đó hoàn thiện quy hoạch địa phương gắn với quy hoạch kinh tế Vùng.
Theo Phó Thủ tướng, đầu tư kết cấu hạ tầng đòi hỏi nguồn vốn lớn, do đó cần đưa ra các chính sách, giải pháp khả thi huy động nguồn tài chính với kế hoạch thực hiện cụ thể, tạo ra các định chế tài chính và đưa ra lời khuyến cáo… Đồng thời, cần chọn thứ tự ưu tiên đầu tư trong kế hoạch trung hạn, những hạ tầng quan trọng nào Nhà nước làm, những vấn đề nào áp dụng các hình thức đầu tư khác?
Bên cạnh đó, cần tìm hướng đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu phát triển, nhất là nhân lực chất lượng cao.
Ngoài ra, cần thảo luận về tác động ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt, suy thoái rừng đầu nguồn, từ đó đưa ra giải pháp cụ thể.
Dịp này, Phó Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp, các đối tác phát triển, các cơ quan, tổ chức, nhà khoa học tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các địa phương trong Vùng thông qua các hình thức như: Đầu tư phát triển, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao năng lực thể chế, hỗ trợ tài chính, kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực…