Xây dựng mô hình Trung tâm DS-KHHGÐ trực thuộc UBND huyện

08:21, 10/08/2014

Công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGÐ) tại tuyến huyện, xã thời gian vừa qua hoạt động không đạt hiệu quả như mong muốn. Ðể giải quyết vấn đề này, Bộ Y tế đã đưa Trung tâm DS-KHHGÐ trực thuộc UBND huyện. Với mô hình này, công tác DS-KHHGÐ tuyến huyện, xã sẽ đạt hiệu quả cao khi đồng nhất một mô hình, một cấp quản lý.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Ở cấp Trung ương giữ nguyên mô hình Tổng cục DS-KHHGÐ trực thuộc Bộ Y tế như hiện nay (theo Quyết định 17/2013/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ); Ở cấp tỉnh, trong thời gian tới vẫn giữ nguyên mô hình Chi cục DS-KHHGÐ trực thuộc Sở Y tế. Riêng cấp huyện và xã, vì có nhiều mô hình khác nhau dẫn đến công tác DS-KHHGÐ có sự chồng chéo, hoạt động không hiệu quả, cho nên Trung tâm DS-KHHGÐ sẽ trực thuộc UBND huyện quản lý.

 

Trước khi tiến tới thống nhất mô hình này, Bộ Y tế đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp của các địa phương, từ lãnh đạo UBND tỉnh, huyện, Chi cục DS-KHHGÐ và cán bộ dân số, phần lớn đều mong muốn mô hình Trung tâm DS-KHHGÐ trực thuộc UBND huyện để có được sự lãnh đạo, chỉ đạo và đầu tư của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với công tác DS-KHHGÐ ở tuyến huyện. Hầu hết cán bộ DS-KHHGÐ khi được hỏi đều mong muốn là viên chức làm công tác DS-KHHGÐ trực thuộc Trung tâm DS-KHHGÐ, được biệt phái làm việc tại xã.

 

Trao đổi vấn đề này, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, trước kia, khi chưa có quyết định chuyển đổi mô hình này, Trung tâm DS-KHHGÐ huyện, xã trực thuộc trung tâm y tế thuộc sở y tế quản lý. Tuy nhiên, mô hình này có nhiều sự chỉ đạo chồng chéo, dẫn đến không có sự phân cấp rõ ràng trong nhiệm vụ, hoạt động cụ thể. Ðể thuận tiện cho công tác lãnh đạo chỉ đạo, không nên có nhiều mô hình chuyên môn trong một trung tâm. Mô hình nào có tính ưu việt, có lợi nhất cho công tác DS-KHHGÐ thì cần thống nhất trên toàn quốc. Cho nên, mô hình Trung tâm DS-KHHGÐ trực thuộc UBND huyện sẽ tạo điều kiện cho cán bộ có điều kiện cùng làm việc, nắm vững, am hiểu hơn về các đặc thù của huyện, trên cơ sở đó, tham mưu giúp UBND huyện những giải pháp sát thực, khả thi và hiệu quả hơn. Các hoạt động phối hợp liên ngành về DS-KHHGÐ nhờ vậy được tăng cường hơn. Với mô hình này, việc triển khai các hoạt động về DS-KHHGÐ trên địa bàn không chỉ là nhiệm vụ của một số cán bộ trong Trung tâm DS-KHHGÐ nữa mà đã trở thành trách nhiệm của cả hệ thống chính trị ở địa phương. Từ đó, cam kết chính trị của các cấp ủy Ðảng, chính quyền tuyến huyện với chương trình DS-KHHGÐ sẽ được tăng cường hơn.

 

Cán bộ dân số Nguyễn Mạnh Hà, Trung tâm DS-KHHGÐ huyện Kiến Xương (tỉnh Thái Bình) chia sẻ: Ðây là một quyết định sáng suốt. Mô hình tổ chức bộ máy dân số tuyến huyện, xã lâu nay thiếu sự ổn định, khiến những người làm công tác dân số như chúng tôi không yên tâm. Chúng ta vẫn nói dân số là bài toán mẹ, là mẫu số của mọi vấn đề, liên quan sự phát triển kinh tế - xã hội. Vì thế, bộ máy tổ chức ổn định thì sự nghiệp dân số mới đạt kết quả tốt. Là người làm công tác DS-KHHGÐ, làm ở đâu cũng là làm việc cho Nhà nước. Nhưng bộ máy dân số tuyến huyện, xã muốn ổn định thì phải có sự quản lý toàn diện của UBND huyện mới có hiệu quả.

 

Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cho biết, với mô hình này, các hoạt động của chương trình DS-KHHGÐ sẽ được lồng ghép trong các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội cùng triển khai thực hiện trên địa bàn. Ðiều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và kinh phí triển khai các hoạt động sẽ được cải thiện hơn từ nguồn lực đầu tư của UBND quận, huyện, nhất là trong bối cảnh nguồn lực của Chương trình mục tiêu Quốc gia về DS-KHHGÐ ngày càng hạn hẹp. Chương trình DS-KHHGÐ nước ta đã và đang có sự chuyển hướng mạnh mẽ từ những giải pháp hướng tới quy mô dân số hợp lý sang những giải pháp về nâng cao chất lượng dân số và bảo đảm cơ cấu dân số. Những điều đó đòi hỏi công tác DS-KHHGÐ cần tiếp tục được đầu tư về nhân lực và nguồn lực trong thời gian tới. Bên cạnh đó, phải có nhiều giải pháp xã hội mang tính liên ngành, chứ không chỉ là giải pháp về kỹ thuật y tế. Cho nên, cần có một mô hình tổ chức ưu việt, hợp lý, thống nhất từ Trung ương tới địa phương để công tác DS-KHHGÐ có hiệu quả hơn.