Trong buổi thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sáng nay (25/9), cơ bản các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Tài chính- Ngân sách, trong đó có đề nghị tăng thuế suất đối với 3 mặt hàng: thuốc lá, bia và rượu.
Số người hút thuốc, uống bia rượu không giảm
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Việt Nam thuộc nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá cao trên thế giới. Tỷ lệ người hút thuốc lá ở Việt Nam cao có nhiều nguyên nhân, trong đó giá bán lẻ thuốc lá còn thấp, thanh thiếu niên dễ tiếp cận với thuốc lá. Hiện Việt Nam có tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ thuốc lá là 44,9%, thấp hơn nhiều nếu so với tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ của các nước trong khu vực (Brunei 81%, Thái Lan 70%, Singapore 69%, Malaysia 57%, Indonesia 51%; Myanmar 50%) cũng như các nước trên thế giới (Australia 62%, Đức 75%, Pháp 80%...).
Chính phủ thấy rằng việc tăng thuế TTĐB đối với mặt hàng thuốc lá là cần thiết để giảm tỷ lệ người hút thuốc lá và bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban TCNS nhất trí với quy định của Dự thảo luật về mức tăng thuế suất thuế TTĐB đối với thuốc lá. Tuy nhiên, đề nghị điều chỉnh lộ trình tăng thuế suất như sau: tăng thuế suất thuế TTĐB từ 65% lên 70% từ ngày 01/01/2016 đến 31/12/2017 (thay vì 31/12/2018) và tăng từ 70% lên 75% áp dụng từ ngày 01/01/2018 (thay vì 01/01/2019).
Cơ quan thẩm tra dự án luật cho rằng, hiện nay tình trạng buôn lậu thuốc lá đang ngày càng ra tăng, công tác phòng chống chưa hiệu quả, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh trong nước. Để tránh gây tác động lớn đến hoạt động sản xuất, thì lộ trình và mức tăng thuế như đề xuất trên là hợp lý.
Một số ý kiến trong Thường trực Ủy ban TCNS đề nghị cần nâng thuế suất ở mức cao hơn nhằm thực hiện tốt hơn chiến lược phòng chống tác hại của thuốc lá đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng đến nay, các cơ sở sản xuất bia địa phương đã phát triển đủ mạnh và có thể cạnh tranh được trên thị trường. Mặt khác, việc hạ thuế suất đối với mặt hàng bia đã làm tăng sức mua (tiêu thụ) đối với bia dễ dẫn đến lạm dụng bia. Tính riêng năm 2013, lượng bia tiêu thụ là 3 tỷ lít và tính bình quân đầu người là 32 lít/người.
Việc lạm dụng bia đã gây tác hại đến sức khỏe người dân, ngoài ra còn là một trong những căn nguyên của nhiều vấn đề xã hội khác như: mất trật tự an toàn xã hội, tội phạm và tai nạn giao thông.
Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách đồng tình với quy định của Dự thảo luật tăng thuế suất thuế TTĐB có lộ trình 3 năm, song thời điểm thi hành từ ngày 01/01/2016 thay cho thời điểm 01/7/2015 như đề xuất của Chính phủ, theo đó: từ ngày 01/01/2016 tăng từ 50% lên 55%; từ ngày 01/01/2017 tăng lên 60%; từ ngày 01/01/2018 tăng lên 65%, nhằm giảm việc lạm dụng bia gây tác hại đến sức khỏe người dân và trật tự an toàn xã hội. Đồng thời, giúp các doanh nghiệp sản xuất trong nước có thời gian để ổn định sản xuất, điều chỉnh chiến lược kinh doanh một cách hợp lý.
Đối với đề nghị tăng thuế suất đối với rượu, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngấn sách cho biết Thường trực Ủy ban đồng tình với quy định của Dự thảo luật tăng thuế suất thuế TTĐB đối với: Rượu từ 20 độ trở lên tăng thuế suất từ 50% lên 65% (áp dụng thuế suất như rượu từ 40 độ trở lên đã thực hiện trước ngày 01/01/2010); đối với rượu dưới 20 độ áp dụng thuế suất 35% (tăng 10%).
Cần đánh giá tác động khi tăng thuế
Thảo luận về dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng mặc dù Luật sửa đổi chỉ một số điều, tập trung vào một số sản phẩm nhưng cần rà soát lại quy định cho phù hợp với các cam kết hội nhập.
Mục tiêu của tăng thuế ngoài việc tạo công cụ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước còn góp tăng nguồn thu. Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, điều này cần cân nhắc kỹ và đề nghị cần làm rõ tác động xã hội.
Nhấn mạnh “tình trạng buôn lậu thuốc lá ở Việt Nam hết sức nhức nhối” nhưng Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cũng đề nghị cân nhắc khi tăng thuế suất: “Mỗi năm thất thoát 6.000-6.500 tỷ đồng do buôn lậu thuốc lá. Nếu tăng thuế suất lên thì vô hình chung đẩy buôn lậu tăng và người hút có khi tăng lên”.
Một số ý kiến cũng đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ tác động của việc tăng thuế suất các mặt hàng, nhất là việc ảnh hưởng đến công ăn việc làm, thu nhập, sản xuất của doanh nghiệp và người lao động.
Ngoài ra, Thường trực Ủy ban TCNS đồng tình với quy định của Dự thảo luật bổ sung tàu bay phục vụ mục đích an ninh, quốc phòng vào đối tượng không chịu thuế TTĐB, vì thực tế hiện nay, phát sinh một số trường hợp nhập khẩu tàu bay về để phục vụ cho công tác huấn luyện của lực lượng quốc phòng; loại bỏ naphtha, chế phẩm tái hợp và các chế phẩm khác để pha chế xăng ra khỏi đối tượng chịu thuế TTĐB nhằm phù hợp với thực tiễn, đảm bảo giảm các thủ tục hành chính trong việc kê khai, khấu trừ thuế; đề nghị Chính phủ bổ sung việc áp dụng mức thuế ưu đãi hơn đối với sản phẩm xăng sinh học./.