Ngày 10/9, tại Hà Nội, Trung tâm Vệ tinh Quốc gia (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) và Câu lạc bộ nhà báo Khoa học công nghệ phối hợp tổ chức hội thảo “Tổng quan về công nghệ vệ tinh và ứng dụng”.
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Phạm Anh Tuấn – Giám đốc Trung tâm Vệ tinh Quốc gia cho biết, sau khi chế tạo thành công vệ tinh PicoDragon (2013), theo lộ trình, tới 2016, Việt Nam sẽ thiết kế, chế tạo vệ tinh Nano có tên NanoDragon nặng 10kg; năm 2018 sẽ thiết kế, chế tạo vệ tinh micro có tên MicroDragon nặng 50kg và tới 2020 sẽ thiết kế vệ tinh nhỏ LOTUSat2 nặng 500kg.
LOTUSat2 sẽ là vệ tinh thương mại, có thể sản xuất ảnh vệ tinh để bán ra thế giới. Khi đó, Việt Nam sẽ ở trong top dẫn đầu ASEAN về công nghệ vệ tinh nhỏ. Hiện tại, trong khu vực Đông Nam Á mới chỉ có Indonesia, Malaysia và Việt Nam tự chế tạo được vệ tinh. Thái Lan chưa chế tạo được vệ tinh trong khi Singapore mới đang triển khai. Như vậy, với việc thiết kế, chế tạo vệ tinh LOTUSat2 vào năm 2020, Việt Nam sẽ có vệ tinh thương mại, có thể bán ảnh vệ tinh ra thế giới.
Theo Trung tâm Vệ tinh Quốc gia, lộ trình đến năm 2020, Việt Nam phải sản xuất và làm chủ vệ tinh. Tuy nhiên, để đạt được lộ trình trên Việt Nam còn gặp khó khăn về nguồn nhân lực.Hiện nay, Việt Nam chưa có đại học nào đào tạo kỹ sư công nghệ vũ trụ, có chăng là những đơn vị đào tạo bậc đại học liên kết với nước ngoài.
Để khắc phục tình trạng này, hiện Trung tâm Vệ tinh Quốc gia đã chủ động đào tạo tại chỗ nguồn nhân lực với việc cử đi học bậc thạc sĩ tại Nhật cũng như liên kết đào tạo tại Việt Nam. Tính đến nay, đã có 36 thạc sĩ công nghệ vũ trụ được đào tạo tại Nhật bằng nguồn ngân sách dự án công nghệ vũ trụ quốc gia.
Bên cạnh đó, Trung tâm Vệ tinh Quốc gia cũng liên kết với Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ngành vũ trụ và ứng dụng, hợp tác với Đại học Công nghệ đào tạo kỹ sư công nghệ vũ trụ. Song, các chương trình đào tạo này là liên kết với nước ngoài chứ hiện ngành học này chưa được cấp mã số.