Nâng cao kiến thức về sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh cho cán bộ y tế 31 tỉnh phía Bắc

16:23, 15/10/2014

(TN) - Ngày 15-10, tại T.P Thái Nguyên, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa Gia đình (Bộ Y tế) đã tổ chức chương trình tập huấn quản lý chương trình sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh cho trên 100 cán bộ y tế đến từ 31 tỉnh phía Bắc từ Thừa Thiên Huế trở ra.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ dị tật bẩm sinh ở trẻ sơ sinh là 1,73%. Như vậy, mỗi năm thế giới có khoảng 8 triệu trẻ chào đời với một dị tật bẩm sinh. Ở Việt Nam, mỗi năm có khoảng 1,5 triệu em bé sinh ra, trong đó có 1,4 nghìn đến 1,8 nghìn trẻ bị bệnh Down; 200 đến 250 trẻ bị hội chứng Ewards; 1 nghìn đến 1,5 nghìn trẻ bị dị tật ống thần kinh; 300 đến 400 trẻ bị suy giáp bẩm sinh; 15 nghìn đến 30 nghìn trẻ bị thiếu men G6PD; 200 đến 600 trẻ bị tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh; 2,2 nghìn trẻ bị Thalassemia (tan máu bẩm sinh) thể nặng sinh ra và các bệnh lý di truyền, dị tật bẩm sinh khác. Sàng lọc trước sinh và sơ sinh là một giải pháp quan trọng nhằm phát hiện sớm các bệnh, tật của thai nhi và trẻ sơ sinh, qua đó có những can thiệp phù hợp, góp phần nâng cao chất lượng dân số, nâng cao sức khỏe và tầm vóc con người Việt Nam.

 

Tại chương trình, các học viên đã được tìm hiểu về phương pháp quản lý sàng lọc trước sinh bằng kỹ thuật lấy mẫu máu khô ngón tay; quản lý sàng lọc một số bệnh rối loạn chuyển hóa bẩm sinh; sàng lọc bệnh tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh; bệnh tim bẩm sinh; bệnh khiếm thính bẩm sinh; bệnh tan máu bẩm sinh…