Không phải chỉ riêng nước ta mà bình đẳng giới đang là vấn đề đặt ra đối với bất cứ quốc gia nào, bởi thúc đẩy bình đẳng giới và tăng quyền cho phụ nữ là nhân tố quan trọng trong quá trình phát triển.
Nói đến bình đẳng giới là nói đến một quyền con người cơ bản. Thước đo tiến bộ và phát triển của mỗi quốc gia có căn cứ dựa trên mức độ bình đẳng giới. Không phải ngẫu nhiên mục tiêu thứ 3 trong số 8 mục tiêu thiên niên kỷ đó là “Tăng cường bình đẳng giới và nâng cao năng lực, vị thế cho phụ nữ”.
Chỉ cách đây ít ngày, trong chương trình nghị sự của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 69 do Uỷ ban về các vấn đề văn hóa, xã hội và nhân đạo của Liên hợp quốc tổ chức hôm 14/10 đã có riêng một phiên thảo luận về “Vì sự tiến bộ của phụ nữ”.
Cũng trong thời gian này tại Geneva, Thụy Sỹ, trong phiên họp toàn thể Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) lần thứ 131, phát biểu của đại diện nước chủ nhà đăng cai Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng nhấn mạnh đến vấn đề bình đẳng giới.
Phải khẳng định rằng, cùng với Việt Nam, nhiều quốc gia đã nỗ lực hướng tới mục tiêu về bình đẳng giới. Bởi thế mà cuộc sống của phụ nữ và trẻ em gái đã có nhiều thay đổi. Phụ nữ và trẻ em gái biết chữ nhiều hơn bao giờ hết. Ở 1/3 các nước đang phát triển đã có nhiều trẻ em gái đi học hơn trẻ em trai. Phụ nữ chiếm hơn 40% lực lượng lao động toàn cầu. Phụ nữ được tham gia ngày càng sâu hơn, rộng hơn trong đời sống chính trị-xã hội của các nước.
Tuy nhiên, khi vẫn còn xác định đó là mục tiêu thì có nghĩa là bất bình đẳng giới vẫn là một thực tế ở nhiều quốc gia mà Việt Nam không phải là ngoại lệ. Sự yêu thích con trai và không coi trọng con gái được thể hiện rất rõ qua sự gia tăng mất cân đối tỷ số giới tính khi sinh.
Trong 14 năm qua, tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh tăng dần từ 105, 106 đến 120 bé trai trên 100 bé gái. Và khi những bé trai ra đời, các gia đình vẫn tiếp tục thiên vị và đầu tư nhiều hơn cho… phái mạnh!
Trước tình trạng này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đã phải cảnh báo, nếu vấn đề không được giải quyết hiệu quả thì chỉ trong thời gian ngắn Việt Nam sẽ dư thừa từ 2,3 đến 4,3 triệu thanh niên nam so với nữ, kéo theo không biết bao nhiêu hệ lụy.
Bạo lực trên cơ sở giới cũng là một trong các vấn đề nghiêm trọng hiện nay ở nước ta, xảy ra ở mọi nơi, nông thôn cũng như thành thị và trong tất cả các nhóm xã hội. Số liệu từ các cơ quan chức năng công bố, 58% phụ nữ đã từng chịu ít nhất một trong ba hình thức bạo lực thể chất, tinh thần và tình dục trong đời. 87% nạn nhân bạo lực gia đình chưa tìm kiếm sự hỗ trợ từ các dịch vụ công. Điều đáng lo ngại hiện nay là tình trạng xâm hại, bạo lực với trẻ em vẫn diễn biến phức tạp và trở thành vấn đề bức xúc cho xã hội.
Trong buổi tọa đàm “Đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết 07 về một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức cuối tháng 9 vừa qua, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Trần Thị Mai Hương đã đưa ra những con số không khỏi xót xa. Trẻ em bị xâm hại trong toàn quốc đang tăng dần. Nếu như năm 2012 là 931 em thì sang năm 2013 đã là 1.824 trẻ em bị xâm hại với các hình thức bạo lực ngược đãi, xâm hại tình dục, bóc lột sức lao động…
Bà Phạm Hương Giang, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển cho biết, 2 ngôi nhà thuộc mô hình “Ngôi nhà bình yên” do Trung tâm triển khai dành cho phụ nữ, trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình và bị mua bán trở về đã tiếp nhận 438 nạn nhân trên toàn quốc, trong đó có nhiều nạn nhân là đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, nhiều nạn nhân là trẻ em gái, mù chữ…
Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái không chỉ gây ảnh hưởng về mặt thể xác, tinh thần cho nạn nhân, mà còn dẫn tới thiệt hại về kinh tế cho gia đình và xã hội. Theo kết quả nghiên cứu "Ước tính thiệt hại kinh tế do bạo lực gia đình gây ra với phụ nữ tại Việt Nam" do Liên hợp quốc công bố năm 2012, tổng thiệt hại về năng suất lao động chiếm tới 1,78% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2012 của Việt Nam.
Đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế khi chiếm tới 48,4% lực lượng lao động nhưng phụ nữ Việt Nam thường tham gia vào các công việc không chính thức và dễ bị tổn thương. 53% phụ nữ làm việc gia đình mà không được trả công, trong khi con số này đối với nam là 32%. Phụ nữ làm việc trong các khu vực không chính thức có tiền công thấp hơn, tay nghề thấp hơn, ít cơ hội nâng cao tay nghề và đào tạo hơn nam giới. Ước tính, tỷ lệ thu nhập kiếm được của nữ so với nam là 0,69, nghĩa là cứ 100.000 đồng nam giới kiếm được thì nữ giới chỉ kiếm được 69.000 đồng…
Là người có nhiều nghiên cứu liên quan đến vấn đề bình đẳng giới, nâng cao vị thế cho phụ nữ, TS Nguyễn Thị Bích Điểm, người vừa nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2014 cho rằng, thay đổi nhận thức là yếu tố quyết định đến thực hiện bình đẳng giới. Phụ nữ cần phải tự ý thức được quyền của mình, phải tự tin, biết đứng lên để bảo vệ mình, phải thay đổi nhận thức khi cho rằng đàn ông đang làm nhiều việc “giúp” mình mà không hiểu rằng đó là những việc chung của cả hai giới.
Khoảng cách giữa các chủ trương, chính sách về bình đẳng giới với cuộc sống cũng đang là rào cản để thực hiện bình đẳng giới. “Cần phải sớm rút ngắn khoảng cách này”, TS Nguyễn Thị Bích Điểm nói.
Được đào tạo chuyên ngành Tâm lý giáo dục, TS Điểm nêu ví dụ, ở các nước phát triển, ngay từ tấm bé, bé trai đã được giáo dục cách tôn trọng phụ nữ. Muốn vậy, cha mẹ chúng phải là tấm gương. Một nước đang phát triển như nước ta không khó để áp dụng các hình thức, phương thức giáo dục đơn giản mà hiệu quả để nâng cao vị thế người phụ nữ.
Mọi thứ thay đổi khi chúng ta thay đổi, hãy bắt đầu bằng những hành động tưởng như rất nhỏ hàng ngày. Tiến bộ của mỗi cá nhân, mỗi gia đình sẽ kéo theo tiến bộ của mỗi quốc gia, mỗi xã hội.
Bị Taliban bắn trọng thương ở đầu vì đấu tranh đòi quyền cho các bé gái được đi học, cô gái 17 tuổi người Pakistan Malala Yousafzai vẫn kiên cường đấu tranh vì quyền của phụ nữ và trẻ em. Và Giải Nobel Vì hòa bình 2014 danh giá mà cô là chủ nhân mới nhất cũng là chủ nhân trẻ nhất sẽ còn được nhắc tới nhiều ở các quốc gia như là minh chứng sinh động nhất, thuyết phục nhất về bình đẳng giới!