Nhiều băn khoăn về tình hình kinh tế - xã hội

08:03, 22/10/2014

Ngày 21-10, kỳ họp thứ tám, Quốc hội (QH) khóa XIII bước sang ngày làm việc thứ hai. Các đại biểu QH thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015; kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2014; dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương năm 2015.

Tập trung ưu tiên tái cơ cấu nền kinh tế

 

Thảo luận về kết quả tình hình phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua, phần lớn các đại biểu đồng tình báo cáo đánh giá của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của QH. Tuy nhiên, đại biểu Đỗ Kim Tuyến (Hà Nội) và một số đại biểu cho rằng, trong báo cáo chưa nêu rõ nguyên nhân của những hạn chế. Đáng lưu ý, thời gian qua cả nước có hơn 50 nghìn doanh nghiệp mới thành lập, hơn 11 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại thì có tới hơn 51.000 doanh nghiệp giải thể, hơn 18.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động; trong đó doanh nghiệp báo lỗ chiếm gần 70%, tổng đầu tư giảm; vốn đầu tư FDI tăng nhưng thực tế không tăng; năng suất lao động tăng, nhưng đời sống của người lao động giảm... Cùng với đó, các chỉ số về môi trường theo báo cáo có hơn 80% doanh nghiệp đã tiến hành xử lý môi trường, nhưng thực tế hiện nay, môi trường ở không ít địa phương bị ô nhiễm nặng nề... Theo các đại biểu, những hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua bắt nguồn từ những nguyên nhân: Nền kinh tế nước ta đã suy thoái nhiều năm, việc cải cách, tái cơ cấu nền kinh tế còn chậm; năng lực lãnh đạo, điều hành ở các cấp còn trì trệ, phân tán, chưa đổi mới... Năm 2014, nợ công tăng nhanh, tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm, nợ xấu còn cao dẫn đến rủi ro trong hoạt động kinh tế rất lớn, sản phẩm của các doanh nghiệp làm ra không bán được, sức mua trên thị trường giảm; công tác phòng, chống gian lận thương mại còn hạn chế, các doanh nghiệp nước ngoài còn "chuyển giá", trốn thuế..., làm ảnh hưởng tiêu cực tốc độ phát triển của nền kinh tế đất nước. Do vậy, Chính phủ cùng các bộ, ngành cần phân tích rõ nguyên nhân tìm giải pháp khắc phục và tính đến công tác bảo hiểm xã hội...

 

Để hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, đại biểu Trịnh Thanh Khiết (Hà Nội) và một số đại biểu cho rằng, Chính phủ cần tập trung ưu tiên tái cơ cấu nền kinh tế và sắp xếp lại các doanh nghiệp. Đồng thời, cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giao dịch giữa Nhà nước và doanh nghiệp, cá nhân làm cơ sở để hấp thụ vốn doanh nghiệp trong và ngoài nước vào sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm và việc làm cho người dân.

 

Chi đầu tư phát triển thấp

 

Nhiều ý kiến đánh giá cao sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn, đã thực hiện đạt mục tiêu tổng quát và cơ bản hoàn thành một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2014 theo Nghị quyết của QH đề ra. Tuy nhiên, khi phân tích cụ thể, nhiều đại biểu cho rằng, hiện nay tổng cầu của nền kinh tế suy giảm, chỉ số hàng tồn kho tăng 13,4%, cao hơn so với năm 2013. Số doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động vẫn lớn trong đó bắt đầu có một số doanh nghiệp quy mô trung bình và lớn. Điều này tác động tiêu cực đến vấn đề lao động, việc làm, thu ngân sách nhà nước, nợ xấu ngân hàng, tốc độ tăng trưởng kinh tế và làm gia tăng tội phạm kinh tế. Nhiều ý kiến cho rằng, trong những số liệu liên quan việc làm, tỷ lệ thất nghiệp chưa phản ánh đúng thực tế. Cần đánh giá thực chất hơn, làm rõ mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế, khó khăn của các doanh nghiệp với chỉ tiêu việc làm, thất nghiệp.

 

Đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh), Trần Anh Sơn (Nam Định) cho rằng, vấn đề mấu chốt của kinh tế nước ta hiện nay là phải giải quyết tổng cầu. Nhưng nền kinh tế hiện hấp thụ vốn rất thấp, cả vốn từ kênh tín dụng, đến kênh đầu tư, thậm chí cả các công trình sử dụng vốn trái phiếu. Để xử lý vấn đề này, ngân hàng cần giảm lãi suất, bởi hiện nay mức hưởng chênh lệch lãi suất của ngân hàng từ 3,5 đến 4% là quá cao. Bên cạnh đó, cần tập trung tạo ra thị trường, ban hành cơ chế, chính sách thuận lợi.

 

Nhiều ý kiến nhấn mạnh, cân đối ngân sách nhà nước đang rất khó khăn, đã phải sử dụng hết các tiềm lực tài chính công; huy động nguồn trái phiếu Chính phủ ở mức cao và cả việc sử dụng bội chi để bù đắp chi thường xuyên. Đại biểu Lê Thanh Hải (TP Hồ Chí Minh) lo ngại, trước đây chi đầu tư thường bố trí 30% thu ngân sách, nhưng hiện chỉ còn hơn 10%, trong khi đó chi thường xuyên lên tới hơn 70%, ảnh hưởng việc thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội không chỉ cho năm nay mà còn không đủ vốn đầu tư bố trí phục vụ tăng trưởng cho các năm tiếp theo.

 

Theo nhiều đại biểu, hiện nay, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chậm lại trong khi một số nước đã có sự cải thiện và duy trì được tốc độ tăng trưởng cao. GDP nước ta trong bốn năm qua chỉ đạt trung bình 5,4%/năm và ở giai đoạn trì trệ nhất trong nhiều năm trở lại đây. Với đà tăng trưởng chậm này, nhiều đại biểu lo ngại thời gian tới nền kinh tế Việt Nam có thể tụt hậu so với các nước khu vực ASEAN.

 

Lo ngại nghĩa vụ trả nợ trực tiếp tăng

 

Theo Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, thì nợ công (bao gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương) đến năm 2020 không quá 65% GDP.Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) lo lắng khi mới đến năm 2014, nợ công đã tiệm cận giới hạn an toàn và dự kiến cuối năm 2015, nợ công khoảng 64% GDP.Hơn nữa, nợ công tuy chưa kịch trần, nhưng một số khoản nợ như: Trái phiếu, Ngân hàng Chính sách xã hội, bảo hiểm xã hội, nợ của doanh nghiệp nhà nước... đều do ngân sách nhà nước trả và chưa tính vào nợ công.

 

Ngoài lo ngại nợ công cao, nhiều đại biểu cũng cho rằng việc sử dụng đồng vốn vay chưa hiệu quả, điều này thể hiện ở nghĩa vụ trả nợ hằng năm. Theo đó, về nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách nhà nước hằng năm được phê duyệt không quá 25%. Nhưng hiện nay, tính cả vay đảo nợ và trả nợ vay thì tỷ lệ trả nợ từ ngân sách nhà nước hiện đã ở mức 26,2%. Những lo ngại này là rất đáng quan tâm, bởi một số nước phát triển tuy nợ công cao nhưng nghĩa vụ trả nợ chỉ chiếm dưới 10% thu ngân sách nhà nước.

 

Việc đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành cần phải được tính toán trong bối cảnh chung của nền kinh tế đất nước, trình QH tại kỳ họp này không phải để phê duyệt dự án triển khai ngay, mà để xin chủ trương. Từ chủ trương đến lập dự án tiền khả thi và thực hiện là một khoảng thời gian dài.

Đinh La Thăng, Bộ trưởng Giao thông vận tải

 

Đời sống một bộ phận lớn công nhân, nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn; một số đề xuất về cải cách giáo dục chưa chuẩn bị kỹ, còn lúng túng; một bộ phận sinh viên ra trường không tìm được việc làm, đào tạo nghề chưa gắn chặt với nhu cầu thị trường lao động; tình trạng dịch bệnh sởi bùng phát nhanh trên diện rộng nhưng phương án ứng phó chưa kịp thời...

(Báo cáo thẩm tra tình hình kinh tế - xã hội năm 2014).