Hiến pháp sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2014; tăng lương tối thiểu vùng; 6 đối tượng được hỗ trợ hằng tháng; sinh viên dân tộc thiểu số được hỗ trợ chi phí học tập... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 1/2014.
Hiến pháp sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2014
Với 11 chương, 120 điều (giảm 1 chương và 27 điều so với Hiến pháp năm 1992), Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam được Quốc hội thông qua năm 2013 thực sự là Hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện, đồng bộ về kinh tế và chính trị, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế trong thời kỳ mới.
So với Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp sửa đổi được Quốc hội thông qua năm 2013 có nhiều điểm mới cả về nội dung và kỹ thuật lập hiến; thể hiện rõ và đầy đủ hơn bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước và chế độ Việt Nam trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; quy định rõ ràng, đúng đắn và đầy đủ về chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, bảo vệ Tổ quốc, tổ chức bộ máy Nhà nước, về hiệu lực và quy trình sửa đổi Hiến pháp.
Hiến pháp đã thể hiện rõ hơn bản chất của Nhà nước Việt Nam là Nhà nước dân chủ, Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân.
Hiến pháp tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, trách nhiệm của Đảng trước nhân dân; khẳng định sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn và các tổ chức chính trị-xã hội và các tổ chức khác trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hiến pháp thừa nhận, tôn trọng và bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, bảo đảm công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; tiếp tục bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Hiến pháp tiếp tục khẳng định yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tăng mức lương tối thiểu vùng từ 1/1/2014
Theo Nghị định 182/2013/NĐ-CP, mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với doanh nghiệp từ ngày 1/1/2014 như sau: Vùng I: 2.700.000 đồng/tháng; vùng II: 2.400.000 đồng/tháng; vùng III: 2.100.000 đồng/tháng; vùng IV: 1.900.000 đồng/tháng.
Như vậy, mức lương tối thiểu vùng mới cao hơn mức lương hiện nay từ 250.000-350.000 đồng/tháng.
6 đối tượng được trợ cấp xã hội hằng tháng
Theo Nghị định quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, có 6 đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng gồm:
1- Trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng thuộc một trong các trường hợp: Bị bỏ rơi chưa có người nhận làm con nuôi; mồ côi cả cha và mẹ; mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại mất tích theo quy định của pháp luật...
2- Người từ 16 tuổi đến 22 tuổi thuộc một trong các trường hợp nêu trên mà đang học phổ thông, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất.
3- Trẻ em bị nhiễm HIV thuộc hộ nghèo; người bị nhiễm HIV thuộc hộ nghèo không còn khả năng lao động mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công hằng tháng, trợ cấp hằng tháng khác.
4- Người thuộc hộ nghèo không có chồng hoặc không có vợ; có chồng hoặc vợ đã chết; có chồng hoặc vợ mất tích theo quy định của pháp luật và đang nuôi con dưới 16 tuổi hoặc đang nuôi con từ 16 tuổi đến 22 tuổi nhưng người con đó đang học phổ thông, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất (người đơn thân nghèo đang nuôi con).
5- Người cao tuổi thuộc một trong các trường hợp: Người cao tuổi thuộc hộ nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội hằng tháng; người từ đủ 80 tuổi trở lên không thuộc diện trên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, trợ cấp xã hội hằng tháng; người cao tuổi thuộc hộ nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, không có điều kiện sống ở cộng đồng, đủ điều kiện tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội nhưng có người nhận chăm sóc tại cộng đồng.
6- Trẻ em khuyết tật, người khuyết tật thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội theo quy định của pháp luật về người khuyết tật.
Các đối tượng trên được trợ cấp xã hội hằng tháng với mức thấp nhất bằng mức chuẩn trợ giúp xã hội nhân với hệ số tương ứng từ 1,0 đến 3,0 tùy theo đối tượng. Trong đó, mức chuẩn trợ cấp, trợ giúp xã hội là 270.000 đồng.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2014.
Sinh viên dân tộc thiểu số được hỗ trợ chi phí học tập
Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ chi phí học tập đối với sinh viên là người dân tộc thiểu số học tại các cơ sở giáo dục đại học, chính sách này áp dụng đối với sinh viên là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định của Nhà nước, thi đỗ vào học đại học, cao đẳng hệ chính quy tại các cơ sở giáo dục đại học, bao gồm: Đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng.
Mức hỗ trợ chi phí học tập bằng 60% mức lương tối thiểu chung và được hưởng không quá 10 tháng/năm học/sinh viên.
Quyết định này không áp dụng đối với sinh viên: Cử tuyển, các đối tượng chính sách được xét tuyển, đào tạo theo địa chỉ, đào tạo liên thông, văn bằng hai và học đại học, cao đẳng sau khi hoàn thành chương trình dự bị đại học
Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2014.
Hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp
Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, có 7 nhóm danh mục máy, thiết bị được hỗ trợ. Mức vay tối đa để mua các loại máy, thiết bị bằng 100% giá trị hàng hóa; hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay trong hai năm đầu, 50% trong năm thứ ba.
Cũng theo Quyết định, ngân sách Nhà nước hỗ trợ phần chênh lệch giữa lãi suất thương mại đối với các khoản vay dài hạn, trung hạn bằng đồng Việt Nam và lãi suất tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước để thực hiện các dự án đầu tư dây chuyền máy, thiết bị giảm tổn thất trong nông nghiệp (bao gồm cả nhà xưởng); các dự án chế tạo máy, thiết bị sản xuất nông nghiệp.
Quyết định có hiệu lực từ ngày 1/1/2014
Đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng
Theo Nghị định 209/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng, đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng gồm: Dịch vụ khám, chữa bệnh quy định tại Khoản 9 Điều 5 Luật Thuế giá trị gia tăng bao gồm cả vận chuyển, xét nghiệm, chiếu, chụp, máu và chế phẩm máu dùng cho người bệnh; dịch vụ duy trì vườn thú, vườn hoa, công viên, cây xanh đường phố, chiếu sáng công cộng; dịch vụ tang lễ; vận chuyển hành khách công cộng quy định tại Khoản 16 Điều 5 Luật Thuế giá trị gia tăng gồm vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt, xe điện theo các tuyến trong nội tỉnh, trong đô thị và các tuyến lân cận ngoại tỉnh theo quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác; hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hằng năm từ một trăm triệu đồng trở xuống… cũng thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.
Nghị định 209/2013/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ 1/1/2014.
Nhiều ưu đãi về thuế đối với khu kinh tế cửa khẩu
Quyết định quy định cơ chế, chính sách tài chính đối với khu kinh tế cửa khẩu có hiệu lực từ 15/1/2014, trong đó có nhiều ưu đãi về thuế đối với khu kinh tế cửa khẩu.
Cụ thể, ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp hoạt động trong khu kinh tế cửa khẩu thực hiện theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Người Việt Nam và người nước ngoài trực tiếp làm việc, sản xuất kinh doanh tại khu kinh tế cửa khẩu, có thu nhập từ việc làm, sản xuất kinh doanh tại khu kinh tế cửa khẩu thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân theo quy định tại Luật Thuế thu nhập cá nhân được giảm 50% số thuế phải nộp.
Quyết định cũng dành nhiều ưu đãi về thuế giá trị gia tăng, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với khu kinh tế cửa khẩu.
Ngừng sản xuất, lưu thông xăng không chì RON 83 từ 1/1/2014
Trên cơ sở đề nghị của Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ đồng ý ngừng sản xuất, lưu thông xăng không chì RON 83 từ ngày 1/1/2014.
Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, ban hành văn bản bãi bỏ các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn, yêu cầu kỹ thuật về xăng không chì RON 83 sản xuất, lưu thông trên thị trường.
Sử dụng tài sản Nhà nước không đúng mục đích sẽ bị phạt nặng
Theo Nghị định 192/2013/NĐ-CP quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc Nhà nước, hành vi vi phạm hành chính trong quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước tại cơ quan, tổ chức, đơn vị sẽ bị xử phạt nặng.
Theo Nghị định, sẽ phạt tiền từ 1-20 triệu đồng đối với tổ chức có hành vi bố trí, sử dụng tài sản Nhà nước vượt tiêu chuẩn, định mức. Tổ chức vi phạm sẽ buộc phải nộp lại số tiền tương ứng với giá trị tài sản vượt tiêu chuẩn, định mức.
Bên cạnh đó, sẽ xử phạt từ 10-20 triệu đồng đối với tổ chức có hành vi bố trí, sử dụng tài sản Nhà nước là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp không đúng mục đích. Nếu bố trí, sử dụng tài sản là máy móc, trang thiết bị làm việc, tài sản khác không đúng mục đích sẽ bị xử phạt từ 1-10 triệu đồng.
Nghị định cũng quy định xử phạt từ 1-20 triệu đồng đối với tổ chức có hành vi cho mượn tài sản Nhà nước và hành vi trao đổi tài sản Nhà nước không đúng quy định. Tổ chức có hành vi biếu, tặng cho tài sản Nhà nước không đúng quy định sẽ bị phạt ở mức cao hơn là từ 20-50 triệu đồng.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/1/2014
Không đăng ký tàu biển quá 15 tuổi
Nghị định 161/2013/NĐ-CP quy định về đăng ký và mua, bán, đóng mới tàu biển có hiệu lực từ ngày 1/1/2014. Theo đó, tàu biển đã qua sử dụng đăng ký lần đầu tại Việt Nam phải có tuổi tàu không quá 15 tuổi, riêng tàu khách không quá 10 tuổi.
Quy định trên không áp dụng đối với tàu biển thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức nước ngoài được bán đấu giá tại Việt Nam theo quyết định cưỡng chế của cơ quan có thẩm quyền.
Gửi thông báo kê khai giá trước khi điều chỉnh giá ít nhất 5 ngày
Theo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá, hàng hóa, dịch vụ thuộc diện kê khai giá bao gồm: Hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá trong thời gian Nhà nước không áp dụng biện pháp đăng ký giá; xi măng, thép xây dựng; than; dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cho người tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân; khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước; thực phẩm chức năng cho trẻ em dưới 6 tuổi theo quy định của Bộ Y tế...
Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc diện kê khai giá thực hiện kê khai giá bằng việc gửi thông báo mức giá kê khai đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận thông báo kê khai giá trước khi định giá, điều chỉnh giá ít nhất 5 ngày.
Vi phạm trong đưa tin dự báo bão, lũ bị phạt tới 50 triệu đồng
Theo Nghị định 173/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, đo đạc và bản đồ có hiệu lực từ 1/1/2014, phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Đưa tin dự báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng không đúng quy định; làm sai lệch nội dung bản tin dự báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ do cơ quan có thẩm quyền cung cấp.
Trường hợp làm sai lệch nội dung bản tin dự báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ do cơ quan có thẩm quyền cung cấp gây hậu quả nghiêm trọng chịu mức phạt từ 40-50 triệu đồng.
Phạt nặng vi phạm trong hoạt động báo chí, xuất bản
Theo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản, mức tiền phạt tối đa trong lĩnh vực báo chí, xuất bản đối với cá nhân là 100 triệu đồng, đối với tổ chức là 200 triệu đồng.
Cụ thể, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000-500.000 đồng đối với một trong các hành vi: Không viện dẫn nguồn tin hoặc viện dẫn sai nguồn tin khi đăng, phát trên báo chí; không ghi rõ họ, tên thật hoặc bút danh của tác giả, nhóm tác giả của tin, bài khi sử dụng để đăng, phát trên báo chí; sử dụng tin, bài để đăng, phát trên báo chí nhưng không biết rõ tên thật, địa chỉ của tác giả, nhóm tác giả.
Nghị định nêu rõ, phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Đăng, phát thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng; đăng, phát thông tin kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy.
Đối với một trong các hành vi: Đăng, phát các tác phẩm đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu; đăng, phát thông tin gây phương hại đến lợi ích quốc gia hoặc gây mất đoàn kết dân tộc thì sẽ bị phạt tiền từ 70-100 triệu đồng.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/1/2014.
Đình chỉ biểu diễn 3-6 tháng đối với người biểu diễn vi phạm
Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo có hiệu lực từ ngày 1/1/2014. Theo đó, phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang mà không có giấy phép; thực hiện hành vi không phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hoá Việt Nam hoặc hành vi làm ảnh hưởng xấu đến quan hệ đối ngoại trong quá trình tổ chức biểu diễn.
Cũng theo Nghị định, sẽ đình chỉ hoạt động biểu diễn từ 3-6 tháng đối với người biểu diễn có một trong các hành vi: Biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang có nội dung truyền bá tệ nạn xã hội, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hoá Việt Nam; xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự nhân phẩm của cá nhân; biểu diễn tác phẩm có nội dung khiêu dâm, kích động bạo lực, tác phẩm bị cấm biểu diễn…
Phạt đến 20 triệu đồng nếu kinh doanh ngành nghề không có trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Theo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với hành vi thuê người khác làm Giám đốc doanh nghiệp tư nhân nhưng không đăng ký.
Hành vi kinh doanh ngành, nghề không có trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 15-20 triệu đồng. Mức phạt này cũng áp dụng đối với hành vi không đăng ký thay đổi thành viên trong thời hạn quy định kể từ ngày cam kết góp vốn lần cuối theo quy định của pháp luật.
5 trường hợp được xóa nợ tiền thuế, tiền phạt không thể thu hồi
Theo Thông tư số 179/2013/TT-BTC hướng dẫn thực hiện xóa nợ tiền thuế, tiền phạt không có khả năng thu hồi phát sinh trước ngày 1/7/2007, có 5 đối tượng thuộc diện sẽ được xóa nợ tiền thuế, tiền phạt không có khả năng thu hồi phát sinh trước ngày 1/7/2007.
Một là hộ gia đình, cá nhân gặp khó khăn, không thanh toán được số tiền thuế nợ, đã ngừng kinh doanh.
Hai là doanh nghiệp Nhà nước hạch toán độc lập, đã có quyết định giải thể của cơ quan có thẩm quyền.
Ba là doanh nghiệp Nhà nước hoàn thành cổ phần hóa theo Nghị định số 44/1998/NĐ-CP, Nghị định số 64/2002/NĐ-CP, Nghị định số 187/2004/NĐ-CP của Chính phủ về việc chuyển doanh nghiệp Nhà nước thành công ty cổ phần; được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thành lập công ty cổ phần và khoản tiền thuế, tiền phạt đề nghị xóa nợ chưa được giảm vốn Nhà nước có tại doanh nghiệp khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa hoặc khi doanh nghiệp chính thức chuyển thành công ty cổ phần.
Bốn là doanh nghiệp Nhà nước thực hiện giao, bán theo Nghị định số 103/1999/NĐ-CP, Nghị định số 80/2005/NĐ-CP của Chính phủ về giao, bán, khoán kinh doanh, cho thuê công ty Nhà nước đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thành lập doanh nghiệp và khoản tiền thuế, tiền phạt đề nghị xóa nợ không được tính vào giá trị doanh nghiệp để giao, bán.
Năm là doanh nghiệp Nhà nước được xác định theo quy định tại Khoản 22 Điều 4 Luật Doanh nghiệp số 60/2005/QH11.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 17/1/2014.
Áp dụng giá cước dịch vụ bưu chính phổ cập mới từ 18/1/2014
Theo Thông tư số 20/2013/TT-BTTT quy định mức giá cước tối đa đối với dịch vụ bưu chính phổ cập, đối với dịch vụ thư cơ bản trong nước vận chuyển bằng đường thủy bộ, thư có khối lượng đến 20 gram có giá cước tối đa là 3.000 đồng; thư có khối lượng trên 20-100 gram là 4.500 đồng; trên 100-250 gram là 6.000 đồng. Mỗi 250 gram tiếp theo đến 2.000 gram (2kg) sẽ tính thêm cước là 2.000 đồng.
Bên cạnh đó, bưu thiếp có giá cước vận chuyển tối đa là 2.000 đồng.
Trường hợp vận chuyển bằng đường máy bay, ngoài mức giá cước trên, khách hàng còn phải nộp thêm giá phụ cước máy bay. Cụ thể, giá phụ cước máy bay tối đa đối với thư đến 100 gram là 500 đồng, thư trên 100-250 gram là 1.500 đồng, mỗi 250 gram tiếp theo đến 2.000 gram là 2.000 đồng. Riêng đối với bưu thiếp, giá phụ cước máy bay tối đa là 500 đồng.
Thông tư cũng quy định cụ thể đối với dịch vụ thư cơ bản quốc tế vận chuyển bằng đường thủy bộ cũng như giá phụ cước máy bay cho dịch vụ thư cơ bản quốc tế vận chuyển bằng đường máy bay đối với các quốc gia, châu lục.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18/1/2014.
Lệ phí cấp giấy phép trong hoạt động bưu chính
Thông tư 185/2013/TT-BTC quy định mức thu, quản lý sử dụng phí thẩm định điều kiện hoạt động và lệ phí cấp giấy phép trong hoạt động bưu chính, được áp dụng từ ngày 20/01/2014.
Đối với thẩm định điều kiện cấp giấy phép bưu chính, trường hợp thẩm định lần đầu và thẩm định lại khi hết hạn do Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện, mức phí thẩm định dao động từ 21,5 triệu đến 39,5 triệu đồng/lần...
Mức lệ phí cấp giấy phép bưu chính, giấy phép nhập khẩu tem bưu chính và văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính lần đầu, cấp lại khi hết hạn cho các nội dung thẩm định điều kiện cấp giấy phép bưu chính; thẩm định điều kiện cấp văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính; thẩm định cấp giấy phép nhập khẩu tem bưu chính là 200.000 đồng/lần.
Hướng dẫn xử lý tang vật vi phạm hành chính bị bắt giữ
Thông tư số 173/2013/TT-BTC hướng dẫn thực hiện một số nội dung về quản lý, xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính, được thực hiện từ 5/1/2014.
Thông tư quy định hàng hoá, vật phẩm dễ bị hư hỏng gồm: Thực phẩm tươi sống, dễ bị ôi thiu, khó bảo quản; hàng hoá dễ cháy, nổ (xăng, dầu, khí hoá lỏng và các chất dễ cháy, nổ khác); thuốc chữa bệnh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật mà hạn sử dụng còn dưới 60 ngày theo hạn ghi trên bao bì, nhãn hàng; thực phẩm đã qua chế biến và các loại hàng hóa khác mà hạn sử dụng còn dưới 30 ngày theo hạn ghi trên bao bì, nhãn hàng...
Đối với loại tang vật này, có thể xử lý theo 2 hình thức là tiêu huỷ nếu không còn giá trị sử dụng hoặc bán trực tiếp (không thông qua đấu giá) đối với các trường hợp còn lại.
Về việc quản lý tiền thu được từ việc xử lý tang vật là hàng hoá, vật phẩm dễ bị hư hỏng, Thông tư quy định rõ, đối với tang vật là hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng chưa có quyết định tịch thu sung quỹ Nhà nước thì toàn bộ số tiền thu được từ việc xử lý tang vật là hàng hoá, vật phẩm dễ bị hư hỏng phải gửi vào tài khoản tạm giữ của cơ quan người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ mở tại Kho bạc Nhà nước. Trường hợp tang vật không bị tịch thu sung quỹ Nhà nước thì toàn bộ số tiền thu được phải trả cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật.
Trường hợp tang vật bị tịch thu sung quỹ Nhà nước theo quyết định của người có thẩm quyền thì toàn bộ số tiền thu được từ xử lý tang vật phải gửi vào tài khoản tạm giữ của cơ quan tài chính mở tại Kho bạc Nhà nước theo quy định...