Pháp lệnh Cảnh sát môi trường gồm 5 chương, 20 điều quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, bảo đảm hoạt động và chế độ, chính sách đối với Cảnh sát môi trường; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Tại phiên họp thứ 32 (ngày 6/10/2014), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Pháp lệnh Cảnh sát môi trường theo Tờ trình số 293 /TTr-CP ngày 21/8/2014 của Chính phủ. Trên cơ sở ý kiến của UBTVQH, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) đã chủ trì, phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổ chức nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Pháp lệnh, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại phiên họp thứ 33.
Theo Pháp lệnh, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát môi trường là thu thập thông tin, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình để tham mưu, đề xuất với cấp có thẩm quyền chỉ đạo công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật;
Áp dụng các biện pháp công tác công an để tổ chức phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật; Tiếp nhận, xử lý, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm và vi phạm pháp luật theo quy định của pháp luật; Tiến hành điều tra các tội phạm về môi trường và tài nguyên, an toàn thực phẩm có liên quan đến môi trường theo quy định của pháp luật;
Cảnh sát môi trường có quyền tiến hành các hoạt động kiểm tra việc chấp hành pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân; kiểm tra phương tiện, đồ vật, địa điểm khi trực tiếp phát hiện có dấu hiệu tội phạm, vi phạm hành chính hoặc khi có tố giác, tin báo về tội phạm, vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Việc kiểm tra phải có quyết định bằng văn bản của Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường; Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Trưởng phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Trưởng Công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương; Xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp cần thiết, cấp bách, Cảnh sát môi trường được quyền huy động người, phương tiện của tổ chức, cá nhân theo quy định của luật; Sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ theo quy định của luật; sử dụng phương tiện, kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định của pháp luật; Thu giữ mẫu vật, tài liệu, vật chứng liên quan đến tội phạm, vi phạm hành chính để kiểm định hoặc phối hợp với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kiểm định, giám định;
Cảnh sát môi trường được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu, đồ vật liên quan đến tội phạm, vi phạm hành chính về môi trường và tài nguyên, an toàn thực phẩm có liên quan đến môi trường theo quy định của luật; phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang trong phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm theo quy định của Chính phủ; Thực hiện hợp tác quốc tế theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an;
Pháp lệnh này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 5/6/2015./.