Để người dân nắm bắt được các thông tin "sạch"

17:50, 21/01/2015

Với sự phát triển của khoa học công nghệ, sự bùng nổ thông tin như hiện nay, chỉ cần một máy tính nối mạng Internet, một chiếc điện thoại thông minh ở bất cứ nơi đâu người dân cũng có thế tra cứu thông tin, đọc cái mình muốn, từ tin tốt đến tin xấu.

Vấn đề đặt ra là người dân cần được biết thông tin “sạch”, thông tin chính xác, chính thống, loại bỏ những thông tin thất thiệt, giật gân câu khách của không ít tờ báo, trang mạng xã hội.

 

Từ yêu cầu được biết thông tin của người dân, Đảng, Nhà nước phải có trách nhiệm làm cho người dân biết chính xác, biết đúng thông qua công tác tuyên truyền, trong đó báo chí có vai trò quan trọng. Đó là cầu nối, thể hiện tinh thần dân chủ “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Tư duy ngăn chặn thông tin thời buổi này không khác gì việc lấy tay che mặt trời. Chủ động thông tin chính xác, kịp thời thay vì giấu giếm sẽ là cách hành xử khôn ngoan. Chỉ có minh bạch thông tin mới có thể đẩy lùi những đồn đoán, xuyên tạc.

 

Hiện tại, cả nước có trên 700 cơ quan báo chí với đầy đủ các loại hình như: báo in, truyền hình, phát thanh, báo điện tử. Các cơ quan báo chí đã chủ động theo dõi, thông tin chính xác, kịp thời và tham mưu xử lý các vấn đề nóng, nhạy cảm, thu hút sự quan tâm của dư luận. Qua đó góp phần nâng cao tính minh bạch, công khai trước nhân dân, tạo đồng thuận xã hội. Tuy nhiên, cũng còn những khuyết điểm, hạn chế, bất cập cả trong hoạt động của báo chí và công tác quản lý báo chí. Hiện nay, ở một số tờ báo, báo điện tử có xu hướng xa rời tôn chỉ, mục đích, coi nhẹ chức năng chính trị tư tưởng của báo chí cách mạng; thiếu nhạy bén chính trị, có khuynh hướng "thương mại hoá" đơn thuần, chạy theo thị hiếu tầm thường, nặng thông tin về những hiện tượng tiêu cực, yếu kém, mặt trái của xã hội, thổi phồng, khoét sâu vào các thiếu sót, khuyết điểm, làm "nóng" lên một số vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước, của các ngành, địa phương.

 

Trên cơ sở phân tích, đánh giá sâu sắc thực trạng phát triển và quản lý báo chí với những kết quả, hạn chế, yếu kém và nguyên nhân cụ thể; thấy rõ xu hướng phát triển thông tin, truyền thông trên thế giới, vừa qua, tại phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành TW Đảng khóa XI đã khẳng định sự cần thiết phải sớm ban hành và tổ chức thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025.

 

Hội nghị khẳng định, trong quá trình xây dựng và thực hiện quy hoạch, cần quán triệt quan điểm phát triển đi đôi với quản lý tốt. Phát triển báo chí theo hướng cách mạng, chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân, tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, để đoàn kết, tập hợp quần chúng, tạo đồng thuận trong xã hội, định hướng tư tưởng và thẩm mỹ, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa và con người Việt Nam.

 

Nhà nước có cơ chế, chính sách tài chính, đào tạo đội ngũ để tạo điều kiện cần thiết cho báo chí hoàn thành nhiệm vụ chính trị, đồng thời khuyến khích các cơ quan báo chí tăng cường huy động nguồn lực phát triển trên cơ sở bảo đảm đúng tôn chỉ mục đích, không chạy theo lợi nhuận thuần túy, không để tư nhân sở hữu báo chí, không để nhóm lợi ích chi phối báo chí. Phát triển báo chí phù hợp với xu thế phát triển khoa học - công nghệ và xu thế phát triển thông tin, truyền thông trên thế giới. Kết hợp chặt chẽ các loại hình báo chí, đồng thời phát huy lợi thế của các phương tiện, dịch vụ trên mạng Internet nhằm chủ động cung cấp thông tin chính thống, có định hướng, tăng diện bao phủ trong nước và quốc tế; hạn chế ảnh hưởng tiêu cực và bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng.

 

Sắp xếp hệ thống báo chí gắn liền với đổi mới mô hình, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý báo chí để phát triển hệ thống báo chí theo hướng chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thông tin đa dạng của nhân dân, phù hợp với từng đối tượng, vùng, miền. Xây dựng một số cơ quan báo chí chủ lực, đa phương tiện làm nòng cốt, có vai trò định hướng thông tin báo chí, thông tin trên Internet.

 

Khắc phục tình trạng chồng chéo, đầu tư dàn trải, buông lỏng quản lý, hoạt động xa rời tôn chỉ, mục đích, thông tin sai sự thật. Xác định rõ trách nhiệm lãnh đạo, quản lý báo chí của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan chủ quản, nhất là người đứng đầu cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí. Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, phóng viên, biên tập viên có đủ phẩm chất đạo đức, năng lực nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí trong tình hình mới...

 

Đó sẽ là định hướng quan trọng để các cơ quan báo chí, trong đó có các cơ quan báo chí của tỉnh ta tiếp thu, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần cung cấp thông tin nhanh nhạy, kịp thời, chính xác, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.